Với đa số đại biểu tán thành, chiều 19/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung trong dự thảo luật. Theo ông Tùng, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND thành phố để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.
Nhấn mạnh việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó Nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng.
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.
Trước đó, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết trên, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề nghị Quốc hội để người dân Đà Nẵng trực tiếp lựa chọn người đứng đầu chính quyền thành phố thông qua bầu cử. Theo ông Kim, "Đà Nẵng đã là thành phố đáng sống thì khi thí điểm chính sách đặc thù phải đáng sống hơn, thực sự là chính quyền nhân dân theo mô hình mới".