Chữa bệnh từ “đồ vứt đi”

Chữa bệnh từ “đồ vứt đi”
TP - Dùng tế bào gốc để chữa bệnh các bệnh có liên quan đến thoái hoá hay tổn thương tế bào là xu hướng phát triển mạnh trong việc điều trị bệnh hiểm nghèo. Ứng dụng để trị bệnh từ “đồ vứt đi” đã thành công trong chữa một số bệnh ở người như suy tuỷ, ung thư máu và có nhiều hứa hẹn dùng để chữa được rất nhiều bệnh nan y.

> Thoát bệnh ung thư máu nhờ ghép tế bào gốc đồng loại

Cứu cánh cho bệnh di truyền bẩm sinh

Dây rốn trẻ sơ sinh (sản phẩm thường vứt bỏ cùng nhau thai như rác thải y tế) có chứa nhiều loại tế bào gốc (TBG) cả trong máu dây rốn và màng bao dây rốn.

Các TBG từ máu dây rốn tương tự như TBG ở tủy xương, nhưng có ưu điểm là “hiền” hơn và “dễ được chấp nhận” hơn khi sử dụng để cấy ghép vào cơ thể người khác, vì thế các phản ứng miễn dịch do không hòa hợp về di truyền giữa bệnh nhân và mẫu TBG ít xảy ra hơn.

Việc thu thập dây rốn cũng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ và em bé, do vậy dây rốn là một nguồn cung cấp TBG lý tưởng.

Tế bào gốc máu dây rốn đã được sử dụng như một cứu cánh cho các bệnh di truyền bẩm sinh liên quan đến chuyển hoá, bất thường tế bào máu (như ung thư máu, bệnh lý hồng cầu, huyết sắc tố), thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em v.v.

Khi một em bé bị bệnh, cha mẹ bé có thể đẻ thêm con để lấy TBG máu dây rốn của em bé mới sinh để chữa bệnh cho anh/chị của bé. Kỹ thuật này đã được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển cho hàng ngàn cặp anh chị em.

Tại nước ta các nhà khoa học của Học viện Quân y, Ngân hàng tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học đang phối hợp triển khai kỹ thuật này. Các em bé bị bệnh hiểm nghèo được “sinh ra lần hai” nhờ vào chính các TBG dây rốn của em mình.

Nước ta hiện nay có hàng trăm bệnh nhị bị các bệnh về cơ quan tạo máu đang phải sống dựa vào truyền máu định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Việc này cũng chỉ giúp hạn chế triệu chứng chứ không ngăn được tiến triển của bệnh, do không giải quyết được tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

Để điều trị triệt để thì cần phải “thay máu” cho các bệnh nhân này. Điều này chỉ có thể giải quyết được thông qua ghép tuỷ hoặc ghép TBG máu dây rốn.

Trong hai phương án này thì ghép TBG máu dây rốn có khá nhiều ưu điểm và trên thế giới đang có xu hướng dùng phương án ghép TBG máu dây rốn nhiều hơn.

“Bảo hiểm sinh học”

Ngay cả khi trong gia đình không có người bị bệnh, các bé sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường thì việc cất giữ TBG dây rốn là một giải pháp đặc biệt tựa như một hình thức “bảo hiểm sinh học” cho bé và các thành viên trong gia đình, vì không ai biết một em bé sinh ra sẽ bị bệnh gì trong tương lai.

Nếu cất giữ TBG dây rốn của bé ngay sau khi sinh, trong tương lai nếu em bé bị bệnh gì đó cần phải dùng TBG để chữa (khi y học càng phát triển thì càng có nhiều bệnh có thể chữa được bằng TBG), thì đã có sẵn các TBG của chính em bé đó để chữa bệnh cho em. Đây sẽ là các tế bào phù hợp nhất vì chúng không bị hệ thống miễn dịch của cơ thể em tấn công loại bỏ.

Ngoài ra, nếu em bé đó không dùng đến các TBG dây rốn của mình thì các tế bào này có thể được dùng để chữa bệnh cho người thân trong gia đình như bố mẹ và anh chị em ruột.

Hiện nay, Ngân hàng tế bào gốc MekoStem là cơ sở được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tách và bảo quản các TBG từ dây rốn trẻ sơ sinh để chữa bệnh trong tương lai cho mỗi người, các thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Về phương diện di truyền, trong cộng đồng cũng có những người không cùng huyết thống nhưng lại có chỉ số hoá hợp mô giống nhau, nghĩa là cơ thể người này có thể chấp nhận các tế bào và mô của người khác khi cấy ghép chéo giữa hai người.

Vì thế TBG dây rốn của một em bé này có thể dùng để cứu tính mạng của một em bé khác không phải người thân trong gia đình nhưng có các chỉ số xét nghiệm phù hợp với các tế bào của em.

Vì thế, những người không có điều kiện kinh tế, có sức khoẻ người mẹ và thai nhi tốt cũng nên hiến dây rốn cho mục đích nhân đạo chữa bệnh cứu người.

Khi hiến dây rốn họ sẽ không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào. Tuy nhiên khi họ có nhu cầu sử dụng TBG để chữa bệnh thì họ sẽ được ưu tiên cung cấp mẫu TBG phù hợp nhất với họ để chữa bệnh, tương tự như tham gia hiến máu nhân đạo.

TS.BS. Lê Văn Đông
Phó CN Bộ môn Miễn dịch, Học viện Quân y

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.