Theo Daily Mail, sự việc xảy ra vào tháng 8 vừa qua. Hôm đó, khi Josua Hutagalung (33 tuổi) đang mải mê đóng quan tài, bất ngờ một thiên thạch rơi xuyên qua mái xuống hiên phòng khách nhà anh ở Kolang (Bắc Sumatra, Indonesia).
Hòn đá nặng 2,1kg đã tạo ra một lỗ lớn trên mái tôn, và nằm gọn trong hố sâu 15cm trên nền nhà.
“Tiếng động rất lớn, ngôi nhà thậm chí còn rung chuyển. Khi nhấc hòn đá lên, tôi thấy nó vẫn ấm.", Josua nói. “Tôi lập tức nghĩ rằng đây là một thiên thạch vì không ai có thể ném hoặc làm rơi hòn đá với lực mạnh như vậy.”
Hòn thiên thạch làm thủng một lỗ trên mái nhà.
Nhận được tin về vụ việc, nhiều hàng xóm đã tìm đến nhà Josua để tận mắt hòn đá hiếm.
Trên thị trường, giá của thiên thạch được tính bằng gram, từ khoảng 0,5 đến 5 đô la Mỹ/gram (đối với thiên thạch có độ tinh khiết thấp), thậm chí lên tới 1.000 đô la Mỹ/gram (đối với thiên thạch chứa kim loại hiếm).
Hòn thiên thạch rơi xuống nhà của Josua ước tính có tuổi đời lên tới 4,5 tỉ năm, và được xếp loại CM1/2 carbonaceous Chondrite – loại cực hiếm, có giá 857 đô la/gram.
Hòn đá "đổi vận" của Josua.
Sau khi bán hòn đá quý, Josua đút túi hơn 1,85 triệu đô la (tương đương gần 43 tỉ đồng), bằng với số tiền anh kiếm được trong khoảng 30 năm.
Người mua là Jay Piatek, một bác sĩ và nhà sưu tập thiên thạch từ Indianapolis (Mỹ). Thiên thạch sau đó được đặt tên chính thức là Kolang.
Kolang có tổng trọng lượng trước khi vỡ là 2,5 kg. Nó có màu xám đậm và đen với những vẩy màu sáng.
Ba mảnh vỡ khác của thiên thạch đã được tìm thấy ở các khu vực gần nhà Josua. Một mảnh được phát hiện trên cánh đồng lúa cách nhà của Josua chưa đầy 3km.
Theo các chuyên gia hàng không vũ trụ, việc thiên thạch rơi xuống khu dân cư khá hiếm gặp. Vì dù lượng đá thải ra từ quá trình hình thành hệ mặt trời trong không gian rất lớn, nhưng hầu hết các thiên thạch đều rơi xuống đại dương, rừng hoặc sa mạc.
Hồi tháng 8, có tới 200 mảnh vỡ thiên thạch 4,6 tỉ năm tuổi đã rơi xuống Santa Filomena, đông bắc Brazil.
Tảng thiên thạch lớn nhất nặng 40kg, có giá ước tính 614 triệu đồng.