Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, về chuyển đổi số, ngày 26/1/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU Về Chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số khá. Phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Các ngành, các cấp trong tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến nay, có thể nhận định rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; việc triển khai các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường…
Hoạt động ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan đảng, hoạt động quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các nền tảng số như quản lý, gửi nhận văn bản điện tử; tổ chức hội nghị trực tuyến thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Có thể khẳng định là kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Công nghệ số được ứng dụng ngày càng nhiều trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ…
PV: Định hướng trong thời gian tới về phát triển số như thế nào thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc:
Để thực hiện thành công về phát triển số, Tây Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Về Phát triển và nâng cấp Hạ tầng số: Sẽ nâng cấp hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao, đảm bảo phủ sóng di động tốc độ cao ở 100% xóm, ấp, khu phố, khu dân cư được nhà nước quy hoạch. Triển khai tại sóng dịch vụ 5G tại 100% các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp. Hạ tầng mạng di động đáp ứng chất lượng theo quy định.
Thiết lập các điểm Wi-Fi công cộng miễn phí tại các khu vực trung tâm, du lịch, trường học, bệnh viện và cơ quan nhà nước; Nâng cấp trung tâm dữ liệu địa phương nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và tối ưu hóa các dịch vụ số của tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các hạ tầng số nói chung, hạ tầng trung tâm dữ liệu, nhất là trung tâm dữ liệu phục vụ triển khai AI trên địa bàn tỉnh.
Về hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Chuyển đổi số: Cung cấp gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) áp dụng các giải pháp số trong quản lý và vận hành; Thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp số nhằm khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ nông nghiệp (AgriTech) và du lịch số; Tổ chức hội thảo, hội chợ và diễn đàn…
Về phát triển thương mại điện tử và kinh tế số Nông thôn: Khuyến khích nông dân và hợp tác xã sử dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận thị trường và bán sản phẩm trực tuyến; Tổ chức các khóa tập huấn về tiếp thị số, quản lý cửa hàng trực tuyến và sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp địa phương.
Về huy động nguồn lực và tạo môi trường khởi nghiệp: Tạo môi trường pháp lý thuận lợi và các chính sách ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư vào tỉnh; Thiết lập khu công nghệ cao khi đủ điều kiện và trung tâm khởi nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ số; Hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm để cung cấp vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số; Huy động sự tham gia của các Trường đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, hợp tác với các Tập đoàn lớn về chuyển đổi số.
PV: Những giải pháp thực hiện chuyển đổi xanh như thế nào thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc:
Trong định hướng cho giai đoạn 2026 - 2030 tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi xanh trong thời gian tới:
Phát triển nông nghiệp bền vững: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Nghiên cứu các sản phẩm có tiềm năng như chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, khép kín là tiền đề cho việc hình thành hệ sinh thái kinh doanh từ nguyên liệu và sản xuất thức ăn gia súc đến phát triển công nghiệp thực phẩm, phân bón và biogas.
Phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xanh bền vững; Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị của các khu vực tự nhiên…
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết về đổi mới sáng tạo:
Từ năm 2020 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025.
Tây Ninh cũng triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025…
PV. Xin cám ơn ông!