Hiếm có trường hợp nào như ông, trong vòng tám năm trên cương vị tổng giám đốc và nay là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV), hai lần bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng.
Ông Đoàn Văn Kiển. Ảnh: Internet |
Kỷ luật thì tôi phải chịu
Thưa ông, ở cương vị tổng giám đốc, sau này là chủ tịch TKV, trong thời gian ấy, cơ quan chức năng thực hiện khá nhiều cuộc thanh, kiểm tra tập đoàn. Và lần nào, họ cũng chỉ ra sai phạm, trong đó có phần trách nhiệm của ông?
Anh hỏi hay nhỉ? Tôi nói thế này. Thanh tra, kiểm tra là việc làm cần thiết. Nếu làm tốt nó sẽ giúp doanh nghiệp thấy được những sai sót, lỗ hổng trong quản lý của mình để sửa chữa, khắc phục. Tôi rất ủng hộ chuyện đó.
Tuy nhiên, nói là có quá nhiều sai phạm thì không đúng. Vì như lần thanh tra năm 1999-2000, khi đó do lượng than sản xuất ra nhiều, nhưng không bán được do suy thoái kinh tế (khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á), tiền một đống đấy mà cứ làm ra tiếp, thì lấy tiền đâu chi phí, nên tôi quyết định tạm thời giảm sản lượng than.
Lúc đó bảo tôi ngừng sản xuất, nên ảnh hưởng đến kinh tế và kỷ luật. Mà kỷ luật thì tôi chấp nhận rồi. Nhưng đúng là bây giờ nhìn lại thì có đáng bị kỷ luật không?
Hay như chuyện nhà máy điện Na Dương, tố cáo có tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra vào kiểm tra cũng kết luận gói thầu này, gói thầu kia có chuyện này nọ. Nhưng cuối cùng Bộ Công an kết luận không phát hiện ra tham nhũng.
Bản chất việc đó là do văn tự mà ra, bộ này ý kiến thế này, bộ kia thế khác. Người nào thiện chí thì không sao. Không thiện chí thì họ bắt lỗi. Mà bắt lỗi thì tôi chịu. Trong quá trình vận hành cơ chế của nhà nước, đúng là có chuyện như vậy.
Chuyện tôi quyết định mua mấy chục chiếc ô tô tải của Hàn Quốc, kết luận tôi mua không qua đấu thầu là sai. Tôi nói thật, chuyến đi Hàn Quốc đó tôi tóm được mấy chục chiếc ô tô rẻ hơn hàng chục nghìn USD.
Khi đó tôi đi Hàn Quốc, vào nhà máy Hyundai thấy xe bày la liệt, giá rẻ trong khi họ chào giá bên này cao hơn. Khi sang, tôi yêu cầu phải hạ giá nữa, nếu không tôi không mua. Cuối cùng họ phải chào lại, giảm 3.000 USD/xe. Trong khi cũng chiếc xe đó bốn tháng trước là hơn 40.000 USD/chiếc. Và chỉ hai tháng sau loại xe đó lại tăng giá trên 40.000 USD/chiếc.
Cơ hội như thế, mình là nhà kinh doanh mà lại không quyết định là lỡ cơ hội. Mà chớp cơ hội thì làm sao tổ chức đấu thầu được. Nên so với quy định thì mình sai, thanh tra kết luận tôi sai và tôi cũng chấp nhận. Nhưng bản chất của kinh doanh là hướng đến lợi nhuận, mà muốn có lợi nhuận phải biết chớp cơ hội.
Nhưng thưa ông, nếu không qua đấu thầu dễ phát sinh móc ngoặc, tham nhũng?
Anh nói cũng có cái đúng, nhưng tôi nói thật là đấu thầu mà không xảy ra tiêu cực được à? Người ta có thông thầu được không? Họ làm được hết. Tất cả phụ thuộc vào trái tim, trách nhiệm của những người hành nghề. Đấu thầu về mặt luật pháp là rất đúng, nhưng người ta vẫn thông thầu. Bảy công ty tham gia đấu thầu nhưng thực chất chỉ có một công ty, là chuyện bình thường. Cho nên bản chất vấn đề vẫn là trách nhiệm, đạo đức cán bộ.
Tám năm hai lần bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, bây giờ bình tĩnh soi xét lại, ông có nghĩ ở cương vị tổng giám đốc, sau này là chủ tịch tập đoàn, ông đã mặc cái áo quá rộng?
Không ! Không phải. Thực ra thì Đảng và Chính phủ cho thành lập tập đoàn là cần thiết. Chỉ có điều là phải đề cao trách nhiệm của những người điều hành. Nếu mọi người đều làm việc với thái độ và tinh thần trách nhiệm cao, đừng vì cái lợi của cá nhân mình thì mọi sự sẽ tốt.
Nhưng cũng phải nói là trong cuộc đời một con người thường có 1/3 cái này, 1/3 cái kia. Đó mới là vấn đề. Cuộc sống là như thế. Nếu chọn được cán bộ tốt, cộng cơ chế hợp lý thì mọi thứ sẽ tốt hơn.
Một động than trái phép tại Đông Triều, Quảng Ninh |
Lịch sử công bằng
Ý ông muốn nói trong cơ chế hiện nay, là một chủ doanh nghiệp nhà nước mà muốn kinh doanh thực thụ như một doanh nghiệp tư nhân thì khó mà không mắc sai phạm?
Cũng có ý đó. Bởi trong cơ chế của mình nhiều cái ràng buộc, doanh nghiệp nhà nước không phải muốn làm gì thì làm, không phải cái gì mình cũng tự quyết được.
Theo tôi, nhà nước chỉ nên đề ra tiêu chí, các doanh nghiệp chỉ cần thực hiện được mục tiêu kinh tế mà chủ sở hữu giao là được, chứ không nên quá tiểu tiết.
Ví dụ như, với TKV, chỉ cần giao mục tiêu phải sản xuất bao nhiêu triệu tấn than, chi phí ra sao, lợi nhuận như thế nào thôi. Còn những chuyện khác để cho doanh nghiệp tự quyết, và các cơ quan cũng phải thống nhất theo tiêu chí đó.
Ngay chúng tôi cũng đặt ra tiêu chí cho các doanh nghiệp thành viên, nếu không đạt được thì chúng tôi thay giám đốc. Ông không có tham nhũng, tiêu cực gì nhưng không hoàn thành nhiệm vụ là có thể thay. Như thế mới thúc đẩy được sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông có băn khoăn gì không, khi mà chỉ trong tám năm hai lần bị kỷ luật về Đảng?
Báo anh đã đưa đấy... Cái đó, tôi nói thật, lịch sử rất công bằng. Xã hội nhìn nhận việc đó như thế nào, đặc biệt, nếu anh muốn biết rõ cái đó, giả sử có cấp nào đó làm một cuộc điều tra những người mà tôi phải chịu trách nhiệm với họ, xem họ đánh giá tôi thế nào. Như thế là công bằng nhất, đúng không?
Đằng sau ban lãnh đạo tập đoàn này là hơn 12 vạn lao động ngành than, trong đó có 25 ngàn đảng viên ở khoảng 90 đơn vị thành viên. Giả sử để các cấp ủy đảng ở các đơn vị đó phát biểu, công đoàn phát biểu xem hoạt động của ban lãnh đạo, trong đó có cá nhân tôi có ích gì hay không có ích gì? Làm lợi hay gây thiệt hại, chắc là bức tranh nó sẽ rõ. Còn để tự tôi nói ra thì nó không khách quan.
Còn tôi nói thật với anh, ở đời, xử lý có cái đúng, có lúc đúng, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Và để khách quan nhìn nhận, những hoạt động của ban lãnh đạo chúng tôi, trong nội bộ chúng tôi, bằng đấy con người, bằng đấy tổ chức Đảng người ta biết hết.
Kỷ luật: Nặng và nhẹ
Thưa ông, ông nói là như vậy nhưng, khi xem xét kỷ luật ông, có ý kiến cho rằng với những sai phạm ấy, việc xử lý kỷ luật cảnh cáo là nhẹ. Chỉ riêng việc ký hợp đồng cho Cty Cổ phần Phát triển Công nghiệp Quảng Ninh khai thác sít đã gây thiệt hại cho nhà nước?
Đấy là tùy sự nhìn nhận của mỗi người. Cả ban lãnh đạo của tôi, Đảng ủy tập đoàn có 15 người, người ta đánh giá đó là một hợp đồng có lợi cho TKV. Nhưng người ta chẻ ra thì nói tôi làm sai.
Đây là hợp đồng tôi bán sít thải để họ san lấp lấn biển, lấp mặt bằng mà mặt bằng đó lại của tập đoàn. Xét về kinh doanh, đây là cơ hội. Vì cái sít thải này trước đây bị bỏ đi, nay họ mua sau đó sàng lại để lấy than, sít bỏ đi họ đổ san mặt bằng cho mình. Nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương chẻ ra, nói, tại thời điểm tôi ký hợp đồng bán sít thải đó (năm 2005), thì mặt bằng 84 ha lấn biển chưa được tỉnh Quảng Ninh đồng ý.
Họ nói tôi vi phạm Nghị định 16, chưa được tỉnh đồng ý đã ký hợp đồng với Cty kia để san lấp. Nhưng tôi là nhà kinh doanh, tôi phải chớp cơ hội ấy chứ. Sau đó tôi cùng công ty kia làm thủ tục báo cáo lên tỉnh. Và đến 2006, tỉnh Quảng Ninh đồng ý giao lại diện tích ấy cho TKV để sử dụng.
Thứ hai, họ nói Cty đó không có giấy phép kinh doanh than. Đích thân tôi kiểm tra thì Cty này có giấy phép.
Ông nói bán sít, nhưng, sau khi sàng lọc lại từ sít, Cty đó thu được cả chục triệu tấn than, thưa ông?
Chỉ có hai triệu tấn thôi. Mà cái đó đâu phải là than. Họ chỉ lọc được ít than kém chất lượng. Cái đó ngày xưa là mình bỏ đi. Nếu tôi biết thế này thì cứ bỏ đi thì chẳng sao. Cho nên người trong ngành than họ nhìn nhận chuyện đó khác.
Nhưng sao lúc đó ông không cho đấu thầu bán sít, để đảm bảo khách quan?
Tôi nói là, tại thời điểm đó, công ty này đã có sẵn một dây chuyển tải sít ở mặt bằng đó rồi. Lúc đó có mời thì cũng chẳng có ai vào mà đấu thầu. Cái này là cái mình được thêm, chẳng mất gì cả. Đây cũng là bài học để rút kinh nghiệm sau này.
Nếu bị kỷ luật như thế là oan, sao ông không khiếu nại?
Chuyện ấy nói vậy thôi, chứ không phải dễ.
Như ông nói, trong việc làm khiến ông bị kỷ luật chủ yếu do sai sót mang tính thủ tục, mà không có sai phạm về kinh tế. Bây giờ, nếu được làm lại, ông có làm như vậy nữa không?
Có những cái tôi vẫn phải quyết, tất nhiên mình sẽ tỉnh táo hơn. Vì có những cơ hội đến mình không quyết thì mất cơ hội, tiếc lắm...
Ông không sợ bị kỷ luật sao?
Nếu sợ bị kỷ luật tôi đã không làm. Vì những cái đó tôi không làm riêng cho tôi, tôi không khác gì một anh sĩ quan ngoài chiến trường, có những cái phải tự quyết định thôi. Tất nhiên cũng phải chú trọng việc báo cáo, tránh được chuyện này, chuyện kia càng nhiều càng tốt.
Theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Kiển bị kỷ luật do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, trực tiếp ký quyết định hoặc đề nghị cấp dưới ký quyết định cho Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Dịch vụ khai thác than không có giấy phép trong khu vực ranh giới quản lý của các mỏ thuộc TKV; Ông Kiển còn phải chịu trách nhiệm buông lỏng quản lý, thiếu chặt chẽ trong việc quản lý, khai thác và quản lý hàng hóa trong quá trình vận chuyển tiêu thụ, dẫn tới tình trạng khai thác than trái phép trong thời gian dài. * Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mới đây, trong hoạt động mua sắm, đầu tư xây dựng, TKV vẫn có nhiều sai phạm như chỉ định thầu không đúng quy định 99 gói thầu với giá trị 1.690 tỷ đồng; xét thầu không đúng nhiều gói thầu khác; nghiệm thu, quyết toán tăng không đúng tại tám dự án với số tiền trên 2,1 tỷ đồng… |
------------------------
(Còn nữa)
Bá Kiên-Quyền Thành
thực hiện