Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Liên Hợp Quốc là một đối tác quan trọng hàng đầu của đối ngoại đa phương, đã hỗ trợ rất thiết thực để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, đổi mới toàn diện đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật, cải cách thể chế kinh tế, hành chính công, luật pháp, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng... Trong đại dịch COVID-19, thông qua cơ chế COVAX, Liên Hợp Quốc đã cung cấp cho Việt Nam hơn 61,7 triệu liều vaccine, là nhân tố quan trọng hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, kết quả chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam và Nhà Quốc hội Việt Nam; chia sẻ, Việt Nam là đất nước ông đã luôn dõi theo và hết sức khâm phục từ những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến giai đoạn phát triển như ngày nay với những thành công rất lớn, trở thành tấm gương trong cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo, phát triển và hội nhập quốc tế.

“Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian vừa qua là một sự đột phá”, nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, “trên con đường phát triển của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn. Tiếng nói của các bạn là tiếng nói của phát triển”.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, Việt Nam và Liên Hợp Quốc cần phải sát cánh bên nhau để có được sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, không phải chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn mang lại sự công bằng, bình đẳng, tránh khoảng cách ngày càng lan rộng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam và Quốc hội Việt Nam, nhất là trong các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ quan dân cử, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội trong thực hiện các chức năng được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ảnh 2

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhất quán chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID – 19 bùng phát, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết trao thẩm quyền đặc biệt, đặc cách, đặc thù để Chính phủ chủ động kiểm soát dịch, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi tăng trưởng…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên Hợp Quốc, giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các SDGs và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.