“Chúng tôi cũng không muốn vất vả như vậy”
Năm 2023 là một trong những năm bận rộn nhất của Quốc hội, với bộn bề công việc. Để hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn như vậy, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã phải làm việc ra sao, thưa ông?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Có thể nói, 2023 là một năm có khối lượng công việc và số kỳ họp lớn nhất trong cả nhiệm kỳ này, với tổng cộng có đến 5 kỳ họp Quốc hội, bao gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường. Với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài các phiên họp định kỳ mỗi tháng, còn có rất nhiều phiên họp chuyên đề khác lên tới gần 20 phiên.
Nhiều người hỏi, vì sao ngay cả ngày lễ, tết, các cơ quan Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Quả thực, chúng tôi cũng không muốn vất vả như thế, càng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ, nhân viên trong các ủy ban vất vả như vậy. Nhưng với rất nhiều công việc mang tính cấp bách, với những đòi hỏi từ thực tiễn, nếu không làm như vậy thì làm sao đáp ứng được yêu cầu.
Tại một phiên khai mạc Quốc hội, có lần tôi phát biểu là “kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội”. Bây giờ, dự báo đấy đã thành sự thật. Thế nên, Quốc hội không chỉ phải phấn đấu trở thành một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt, đáp ứng theo yêu cầu cuộc sống, nắm bắt hơi thở cuộc sống, bám sát để quyết sách vì mục tiêu ổn định và phát triển, nhất là khi tình hình thế giới đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường như hiện nay.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rất vui, dù công việc rất vất vả, nhưng các đại biểu Quốc hội, rồi các thành viên trong mỗi ủy ban cũng không hề kêu ca, phàn nàn gì cả, thậm chí còn rất vui và hứng khởi vì được cống hiến. Và như chúng ta thấy, dù mới đến giữa nhiệm kỳ, nhưng đến nay đã có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp được hoàn thành, tương đương trên 83% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Đổi mới, linh hoạt
Một trong những điểm nhấn được đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao là hoạt động giám sát, đặc biệt phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa nhiệm kỳ. Theo ông, việc đổi mới này đã mang lại hiệu quả ra sao?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường, tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh và Internet công khai về giải quyết công tác tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo. Phiên họp hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra từng vụ việc cụ thể trong công tác dân nguyện, nên mới giải quyết được dần dần những vấn đề tồn đọng, nổi cộm.
Khi những vụ việc được giải quyết sớm thì người dân mới đặt niềm tin vào cơ quan dân cử. Điều này cũng tạo ra làn gió mới cho các địa phương. Có người đặt vấn đề, lúc tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội nói, mọi quyết sách đều phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thế thì bây giờ Quốc hội có làm như thế không? Xin thưa là không thay đổi, mọi quyết sách của Quốc hội đều được hướng về người dân, hướng về doanh nghiệp.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội |
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng ngày càng được đổi mới. Tôi nhớ khi làm Phó Thủ tướng, mấy ngày chất vấn giữa nhiệm kỳ không dám đi đâu, thậm chí ngồi ở Quốc hội cũng không dám ra ngoài, vì lo đại biểu hỏi đến mình lại không có mặt, không nắm được. Rút kinh nghiệm lần này tôi đề xuất chia thành năm nhóm chất vấn theo vấn đề như kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, nội chính- tư pháp và văn hóa- xã hội. Như thế đại biểu sẽ chủ động hơn trong từng lĩnh vực, các thành viên Chính phủ cũng chủ động được, có thời gian để chuẩn bị mà vẫn có thể làm được các công việc khác. Đổi mới như vậy, công tác chuẩn bị cho dự thảo nghị quyết chất vấn cũng đơn giản, hiệu quả hơn.
Rồi trước mỗi phiên chất vấn còn có phiên họp trù bị. Trước đây không có và trong hệ thống pháp luật cũng không có khái niệm này. Nhưng tôi bảo cũng không nên quá câu nệ. Có phiên họp trù bị mới biết được định hướng chính sách thế nào, cách thức vận hành phiên chất vấn ra sao, trọng tâm thế nào… Nếu tốt và mang lại hiệu quả, tại sao chúng ta không làm.
“Suy cho cùng, mình cũng vì công việc chung thôi”
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả từ lá phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào đối với người được lấy phiếu và cá nhân Chủ tịch Quốc hội có hài lòng với kết quả của mình?
“Năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không phải chúng ta không có cơ hội, đôi khi phải biến nguy thành cơ. Tôi tin, với nền tảng đã tạo dựng được trong mấy năm qua, chúng ta sẽ vượt qua được mọi thách thức”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn vừa qua với quy mô rất lớn và được tiến hành rất chặt chẽ, công phu, trên tinh thần đoàn kết, dân chủ cả trước, trong và sau khi lấy phiếu. Những người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm cũng thấy rất thoải mái, không hề căng thẳng, cũng không có chuyện gặp gỡ, vận động hành lang.
Có ý kiến nói rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành sau phiên thảo luận kinh tế - xã hội và phiên chất vấn. Nếu làm thế cũng được nhưng theo tôi cũng không cần thiết. Vì tiêu chí đánh giá được căn cứ vào cả quá trình công tác từ đầu nhiệm kỳ, nên đại biểu có đủ dữ liệu, đủ thông tin để đánh giá rồi.
Quốc hội đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp |
Còn về cá nhân tôi, có thể nói kết quả như vậy cũng là một sự động viên, ưu ái của cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội dành cho. Ở cương vị đứng mũi chịu sào, thường sẽ phải va đập, cọ xát. Tôi vẫn thường nói, tính tôi thẳng thắn, ưu điểm là thẳng thắn, nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá (cười). Tôi vẫn bảo với mọi người trong cơ quan, giữa được việc và không làm mất lòng, tôi xin chọn được việc. Nếu nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các bạn thì tốt, còn nếu không cũng đành chịu. Nhưng tôi cũng thấy không ai giận mình ra mặt cả (cười lớn), vì suy cho cùng, mình cũng vì công việc chung thôi.
Việc lấy phiếu tín nhiệm chủ yếu là để cán bộ “tự soi, tự sửa”. Đây cũng chỉ là một hình thức, một trong nhiều kênh đánh giá cán bộ chứ không phải duy nhất, cũng không phải “chìa khóa vạn năng”. Ngày xưa, khi ở trường Học viện Tài chính, có thời kỳ thi tuyển đầu vào môn Văn, tôi làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi còn có lúc khóc, cười ra nước mắt. Cùng một bài thi, khi chấm chéo, có người đánh giá bài thi rất tuyệt vời, cặp chấm chéo thứ hai bảo cũng bình thường thôi, nhưng đến chấm phúc tra lại đánh giá bài đó dở. Chấm thi có đáp án đấy mà vẫn còn như vậy, nói gì đến việc đánh giá cán bộ, không bao giờ chính xác tuyệt đối được.
"Quốc hội không chỉ phải phấn đấu trở thành một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt, đáp ứng theo yêu cầu cuộc sống, nắm bắt hơi thở cuộc sống, bám sát để quyết sách vì mục tiêu ổn định và phát triển, nhất là khi tình hình thế giới đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường như hiện nay". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cũng rất mừng là, 44 trường hợp được lấy phiếu ở Quốc hội đều có tín nhiệm và tín nhiệm cao, cử tri cũng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan. Có như thế đất nước mình mới vượt qua những khó khăn, thách thức, và như thế mới có kết quả như bây giờ. Chúng ta ngồi đây thấy cũng bình thường, nhưng khi ra các nước, họ rất ngạc nhiên và đánh giá rất cao những thành tựu chúng ta đạt được trong tất cả các lĩnh vực. Quả đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Cảm ơn ông!