Chủ tịch Quốc hội: 'Khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội...

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng bứt phá, cao hơn khu vực và cả nước, năm 2022 đạt 13,94% (đứng thứ 4 cả nước) và 9 tháng đầu năm 2023 dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế khi đạt 13,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Nguồn thu ngân sách địa phương gia tăng đáng kể…

Tuy nhiên, tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa nhiệm kỳ cao song đang đứng trước điểm nghẽn tăng trưởng do công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hiện thực hóa các dự án đầu tư mới vào tỉnh còn chậm. Hai điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược đang được tập trung tháo gỡ nhưng chưa đạt tiến độ như mong muốn…

Chủ tịch Quốc hội: 'Khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn' ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cảnh Kỳ)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hậu Giang đang có nhiều điều kiện tốt, đạt được một số kết quả ấn tượng, tốc độ tăng trưởng của tỉnh là điểm sáng trong bức tranh chung cả nước. Các chỉ tiêu cơ bản của 9 tháng đầu năm đạt và vượt, tiền đề tốt để thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023, các năm còn lại của nhiệm kỳ và nhiệm kỳ sau.

Tuy nhiên, hạn chế của tỉnh là kinh tế phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng rất tốt nhưng quy mô nhỏ, thu ngân sách chưa đột phá; phần lớn doanh nghiệp ở ngành giá trị gia tăng thấp; hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu; tỷ lệ đô thị hóa thấp; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; lao động xuất cư cao… Đây cũng là những thách thức chung của các tỉnh ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các cơ quan liên quan và Chính phủ thực hiện tiến trình phê duyệt. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có của tỉnh, Hậu Giang sẽ phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội: 'Khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn' ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Cảnh Kỳ)

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá, tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đạt được những kết quả ấn tượng. Kinh tế tăng trưởng cao, thu ngân sách đạt khá, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Các chỉ số năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh; an sinh xã hội được quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, công tác cán bộ có nhiều đổi mới…

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn mà Hậu Giang cần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện và tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là tăng trưởng kinh tế cao trên nền quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, tăng trưởng chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mặc dù giảm mạnh nhưng còn cao so với khu vực và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội: 'Khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn' ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chứng kiến trao 100 căn nhà Đại đoàn kết từ Tập đoàn Petrolimex tặng tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Cảnh Kỳ)

Lưu ý Hậu Giang rằng “quy mô nhỏ thì khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm và nhiệm kỳ, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển công nghiệp khá của cả nước, 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp, logistic của ĐBSCL. Coi trọng phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, chú trọng thu hút có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp phải tối ưu hóa diện tích đất và giá trị gia tăng.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cơ bản với quy hoạch phát triển của tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, lưu ý tỉnh quan tâm phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát huy sản phẩm đặc trưng, đẩy mạnh liên kết vùng, hình thành chuỗi giá trị gắn với chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về giao thông, Hậu Giang cần khai thác tối ưu hiệu quả kinh tế các tuyến đường giao thông, quy hoạch đường gom, nội vùng, vì nếu không có đường gom kết nối thì cao tốc đi qua nhưng không mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút lao động, nhất là lao động có chuyên môn, tay nghề, chất lượng cao...

Dịp này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trao 100 căn nhà Đại đoàn kết (tổng trị giá 5 tỷ đồng) tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, nhân dịp tỉnh Hậu Giang phát động chương trình xây dựng 1.400 căn nhà Đại đoàn kết, hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh.

MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.