Chủ tịch Quốc hội: Chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh Như Ý
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh Như Ý
TPO - “Dịch thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.

Chiều 27/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là chủ trương rất lớn, cần hết sức coi trọng. Bởi đôi khi thiệt hại do lãng phí cũng chẳng kém gì vấn đề tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, còn lớn hơn.

Dù là báo cáo thường niên, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với một số nhận định, đánh giá, cho rằng báo cáo vẫn mang tính hình thức, nể nang, ngại va chạm. "Thủ tướng nói cái gì tốt phải khen, địa phương, bộ, ngành nào tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng ra, anh nào vi phạm, yếu kém thì phải phê bình, kỷ luật. Phải rõ ràng, minh bạch như vậy", ông Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mô hình hay, cách làm tốt thì biểu dương khen thưởng, nhân rộng. Bộ, ngành nào tốt thì biểu dương trong Chính phủ, Quốc hội. Ai nào làm không tốt thì phải nêu ra. Phải có kiểm điếm, đánh giá được chứ không nên nêu chung chung

Viện dẫn từ khi còn làm Phó thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt nhiều câu hỏi: Việc xử lý các doanh nghiệp yếu kém trong ngành công thương bây giờ đến đâu, bao giờ xong? Hay việc xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, nhất là các ngân hàng mua lại bắt buộc thế nào? Lỗ có tăng lên không?

Nói về những nút thắt đầu tư công, theo ông Huệ, cần chú ý tháo gỡ những ách tắc liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn trong quy hoạch, đầu tư, hoạt động xây dựng, kinh doanh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đặc biệt là mua sắm công.

Về mua sắm công, nghị định quy định về lĩnh vực này ban đầu quy định chỉ có đấu thầu thôi, dẫn đến ách tắc vô cùng, tất cả các tỉnh, thành, bộ ngành đều ách tắc hết. Đến khi có dịch bệnh COVID - 19 thì rất lúng túng trong việc mua sắm công, thậm chí đã có sai phạm phải khởi tố, như vụ CDC Hà Nội và một số nơi khác.

Đương nhiên có vi phạm phải xử lý, nhưng nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không khi không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu? Đáng lưu ý, theo ông Huệ, năm nay tình trạng cũng vẫn vậy, tất cả các nơi đều sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ.

"Người ta chỉ thích tiền MTTQ hỗ trợ, đó không phải tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được. Vừa rồi Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng rà soát lại cái này đủ chưa? Đừng để chúng ta vừa mất tiền, vừa mất người ở đây. Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, cả GS,TS, thầy thuốc nhân dân… Định mức đơn giá không có, hướng dẫn người ta không có thì làm sao được?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

“Dịch thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng. Sai phạm cá nhân, tập thể rõ rồi, nhưng vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước phải xem lại, phải tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn”, ông Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ phải rà soát lại, gia công kỹ lưỡng trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.