Chủ tịch nước: Tư duy đề cao sức mạnh rất đáng lo ngại

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại Singapore sáng 30/8. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại Singapore sáng 30/8. Ảnh: TTXVN.
TP - Phát biểu tại Singapore ngày 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, các thách thức an ninh hiện nay rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp vẫn còn tồn tại.

Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, ngày 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, thế giới đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Trong đó, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... có mức độ tàn phá rất lớn về con người, của cải hơn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào và không một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức giải quyết triệt để. “Tính nghiêm trọng của các thách thức này rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp vẫn còn tồn tại”, Chủ tịch nước nói.

Trước khi rời Singapore chiều 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới thăm Khu công nghệ sáng tạo One North ở trung tâm Singapore. One North được thiết kế để làm một đầu mối nghiên cứu mang tiêu chuẩn thế giới và không gian thương mại được xây dựng để hỗ trợ sự phát triển của các trung tâm sinh học, vật lý, công nghệ thông tin, truyền thông…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tiến trình hợp tác khu vực. “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”, Chủ tịch nước nói. Thông điệp này đã trở thành tiêu đề của nhiều tin bài của báo chí quốc tế và khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khăng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông và đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

ASEAN cần hiệu quả hơn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.

Nhiều năm qua, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... Đến nay, ASEAN đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, vững vàng trước những khó khăn, thách thức, ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện bốn nội dung then chốt gọt tắt là CIROP: (i) Tăng cường gắn kết về chính trị, tập trung thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung; (ii) Đẩy mạnh liên kết về kinh tế, văn hóa-xã hội, khai thác thế mạnh kinh tế, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh của Cộng đồng; (iii) Đề cao trách nhiệm, ý thức cùng chung vận mệnh, trong đó coi trọng thực hiện các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, lấy đoàn kết và đồng thuận là giá trị đặc trưng mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, giữ gìn; (iv) Cùng hướng tới người dân, hình thành các cơ chế để người dân các nước ASEAN tham gia vào quá trình hoạch định, giám sát và thực thi chính sách, lấy phục vụ người dân là mục tiêu tối thượng trong việc xây dựng và phát triển Cộng đồng.

Hợp tác quốc phòng sâu rộng

Tiếp Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore Goh Chok Tong sáng 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sự trân trọng những nỗ lực của ông Goh Chok Tong trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Singapore. Bộ trưởng Goh Chok Tong là người đặt nền tảng cho việc nâng tầm quan hệ hai nước thành Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Ông Goh Chok Tong khẳng định, các nhà lãnh đạo Singapore mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Việt Nam để tiếp tục nhân rộng những mô hình hợp tác thành công giữa hai nước. Singapore sẵn sàng nỗ lực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển. Ông Goh Chok Tong cho biết, Singapore đang nỗ lực trở thành trung tâm ở phía Nam của ASEAN; đồng thời tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò là trung tâm của khu vực phía Bắc ASEAN.

Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi ăn sáng làm việc với ông Tiêu Chí Hiền - Phó Thủ tướng Singapore điều phối về các vấn đề an ninh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Singapore thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự gắn bó, tin cậy giữa hai nước. 

Cùng với việc tăng cường các chuyến thăm song phương, hai bên cần khai thác tốt các cơ chế tham vấn đối thoại, tăng cường hoạt động hợp tác thực tế giữa các lực lượng, tập trung vào hải quân, không quân, quân y, tìm kiếm cứu nạn...; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm như chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp đấu tranh với tội phạm mạng, đảm bảo an ninh mạng.

Theo tuyên bố báo chí chung Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 28 đến 30/8/2016, hai bên ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng, góp phần tăng cường hiểu biết chung giữa hai nước. Trên cơ sở Thoả thuận Hợp tác Quốc phòng năm 2009, hai bên nhất trí: (i) duy trì các chuyến thăm song phương và các cơ chế đối thoại giữa hai cơ quan quốc phòng, trong đó bao gồm đối thoại chính sách giữa Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bí thư Thường trực về Quốc phòng của Singapore; (ii) tăng cường hợp tác nghiên cứu chiến lược giữa các cơ quan nghiên cứu; (iii) đẩy mạnh giao lưu giữa hai quân đội như trao đổi chuyên gia, cũng như hợp tác đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM+; và (iv) tiếp tục hợp tác tình báo và an ninh sẵn có để chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia.

MỚI - NÓNG