Chủ tịch huyện đảo Trường Sa và ca 'tác chiến' gian nan

Chủ tịch huyện đảo Trường Sa và ca 'tác chiến' gian nan
TP - Bên hành lang của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), chị Nguyễn Thị Huyền cho cậu con trai đầu 18 tuổi đang chờ phẫu thuật khối u trong tim ăn trưa. Ngoài cổng bệnh viện, anh Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa lên kế hoạch “tác chiến” chuẩn bị cho ca mổ của con trai dự kiến vào thứ tư tuần sau.

> Chủ tịch huyện đảo Trường Sa và nỗi đau vợ con bệnh nặng
> Chủ tịch huyện đảo Trường Sa vào bệnh viện chăm vợ con

Đã hơn mười ngày nay, anh Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, Vùng 4 Hải quân kiêm Chủ tịch huyện đảo Trường Sa gửi gắm công việc của đảo cho đồng đội để vào đất liền chăm vợ và cậu con trai Nguyễn Viết Khuê đang chờ phẫu thuật tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Khuôn mặt đen xạm vì nắng biển giờ đây còn hằn lên nỗi lo lắng khi anh đang gánh trên vai trọng trách vừa phải chăm vợ đang điều trị vì căn bệnh ung thư vú, và giờ là cậu con trai bị khối u trung thất choán cả lồng ngực.

Tháng 6 năm ngoái, anh trở lại đảo sau chuyến công tác đất liền. Ngày anh lênh đênh trên biển cũng là lúc hai cơn bão ập vào biển Đông, sóng điện thoại mất, anh không thể liên lạc với gia đình trong nhiều ngày. Cũng trong những ngày này, chị lên cơn đau. Chị nhờ vài người thân đưa về Sài Gòn. Tìm tới Bệnh viện Ung bướu TPHCM thăm khám, chị tá hỏa khi các bác sĩ thông báo bị ung thư vú và phải xạ trị lâu dài.

Cơn bão qua đi, anh liên lạc được với chị cùng hai con là Khuê và cô con gái út năm nay vào lớp 10 đang sống ở Nha Trang. Sau đợt công tác dài ngày, anh trở về đất liền dịp Khuê vào TPHCM thi đại học ở trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM). Anh vui vì kỳ thi này Khuê làm bài khá tốt. Món quà cho cậu con trai đầu là chuyến về quê thăm ông bà và họ hàng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Cũng sau chuyến về thăm quê trở lại phố biển, anh phát hiện Khuê có vấn đề về tim. Lại một lần nữa anh đưa con vào TPHCM khám. Kết quả Khuê có khối u lớn ở tim xâm lấn vùng ngực cần phải mổ gấp. Đây cũng là thời hạn chị phải vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM thực hiện đợt xạ trị thứ hai. Vậy là lại trở về đưa người vợ của mình khăn gói vào lại TPHCM thuê căn phòng nhỏ bên cạnh bệnh viện Chợ Rẫy với giá 200 ngàn đồng một ngày để tiện chăm con, còn chị thì xin điều trị ngoại trú, cứ 21 ngày lại vào xạ trị một lần.

Anh cho biết: “Hơn 30 năm là lính đảo, gắn với mảnh đất của huyện đảo Trường Sa, tháng 4 vừa qua tôi chính thức làm chủ tịch huyện đảo. Công việc nhiều và khó khăn là thế mà tôi còn lên phương án chiến đấu được thì giờ vợ con thế này, cũng phải lên phương án để cùng vợ con chiến đấu với bệnh tật, nhất là lúc cháu Khuê mổ”- anh tự tin.

Nằm hành lang, nhường phòng cho người bệnh nặng

Chị Nguyễn Thị Huyền tiều tụy và già yếu hơn cái tuổi 49 sau những ngày xạ trị căn bệnh hiểm nghèo. Chị theo anh vào Nha Trang công tác từ khi anh chị mới cưới. Hiện chị là trưởng khoa dược của trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. Từ ngày mắc bệnh, chị vẫn cố gắng công tác, chỉ xin nghỉ phép khi nào tới ngày xạ trị.

Chị nói hai vợ chồng thay nhau chăm con. Ngót 20 năm cưới nhau, thời gian vợ chồng con cái bên nhau chưa đầy 50 tháng, chị quen với việc nuôi dạy con thay chồng. Những cái tết anh không ăn cùng chị và hai cháu thì một tay chị phải lo. Xây được ngôi nhà tử tế cho các con ở cũng một tay chị... Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ chị than thở và trách anh. “Ngày tôi phát hiện bệnh, anh không ở bên, đành phải thuê người ở nhà coi hai con còn mình thì vào Sài Gòn lo chữa trị mà không dám báo cho chồng biết sợ anh lo không hoàn thành nhiệm vụ”- chị Huyền vừa vỗ về con vừa kể.

Buổi trưa Sài Gòn, cái nắng oi ả hất vào giường Khuê đang nằm ở hành lang khoa Ngoại lồng ngực. Thế nhưng cậu thanh niên mới lớn vẫn thích nằm nơi đây vì theo Khuê “nơi này rất thoải mái”. Sau khi lo cho con ăn và ngủ xong, chị Huyền lấy hộp cơm anh mua ở cổng bệnh viện ra ăn. Hộp cơm chị ăn chỉ ít rau, vài miếng thịt và bịch nước canh đã nguội. “Cháu bệnh, tôi bệnh nên phải tiết kiệm tiền để lo cho ca mổ sắp tới của cháu. Anh Thuân yêu cầu tôi phải bồi dưỡng nhưng tôi muốn dành tiền lo cho con”- chị nói.

Tuy bị bệnh nặng và nằm chờ mổ, Khuê vẫn ngóng đợi kết quả điểm thi đại học vì cậu có giấc mơ từ nhỏ sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. “Cháu mong mình đậu đại học và qua khỏi bệnh tật để thực hiện giấc mơ”- Khuê nói.

Hôm qua, anh Thuân rất vui khi hay tin Đoàn thanh niên của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Khuê một máy trợ phổi và tim nhân tạo cho lần mổ tới.

Cùng Tiền Phong hỗ trợ anh Nguyễn Viết Thuận

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về các địa chỉ sau: báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội; ĐT: (04) 39434031.

Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Q3, ĐT: (08) 3848 4366 (08) 3848 4366 , Fax: (08) 3843 5095.

Ban đại diện tại miền Trung: 19 Ngô Gia Tự - Đà Nẵng, ĐT: 3828 039, Fax: (05113) 897 080.

Ban đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT và Fax: 07103823829.

Ban đại diện tại Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật- TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, ĐT và Fax: (0500) 3950029.

Quý vị ở xa có thể chuyển khoản qua tài khoản của báo Tiền Phong. Số tài khoản 123.10.00.00.6217.5 tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Quang Trung, Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.