>> Hàng trăm tàu than tẩu thoát trong một đêm
>> Bị dọa đặt mìn, Bí thư Quảng Ninh không nao núng
>> Không có 'vùng cấm' trong việc xử lý than lậu
Tàu chở than lậu bị tạm giữ tại hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh |
Ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than - khoáng sản VN, nói:
Trước tiên phải khẳng định việc lập lại trật tự trong khai thác than không phải bây giờ mới làm. Trước khi thành lập Tổng công ty Than năm 1994 còn ác liệt hơn nữa.
Tôi đã từng đứng đầu ngành than đấu tranh chống lại khai thác trái phép và cũng từng bị đe dọa. Tại sao vừa rồi lại rộ lên khai thác than trái phép và xuất lậu, bởi giá than xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước rất nhiều (55%).
Bên cạnh đó còn có vấn đề liên quan đến quản lý. Quản lý của ngành than dù đã được siết chặt nhưng tôi công nhận còn bất cập. Trong ranh giới mỏ thì ít sai phạm, chỗ không kiểm soát được thì khai thác trái phép nhiều.
Vỉa than do ngành than quản lý nhưng trên mặt đất là người dân ở. Người ta xây tường cao rồi đào xuống. Cái này rất khó quản.
Nhiều người, kể cả từ Hà Nội xuống, nói mua vườn rừng nhưng thực chất là để khai thác than. Tôi không nói chính quyền Quảng Ninh không quan tâm, nhưng chính quyền không phải lúc nào cũng đủ người để giám sát việc này.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang mở chiến dịch chống buôn lậu, khai thác than thổ phỉ. Ông đánh giá thế nào về cuộc chiến đang diễn ra này?
Quảng Ninh làm là đúng, chúng tôi đồng thuận. Chính tôi hôm 1/4 khi dự hội nghị của Thủ tướng họp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, tôi đã đề nghị phải làm, và một mình ngành than làm không xuể.
Về mặt nguyên tắc, tôi cũng đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Dư luận có xì xào nhưng tôi xin nói thẳng việc lập lại trật tự trong khai thác, tiêu thụ than không có ai "chơi" ai cả. Trong chuyện này chỉ có một mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của địa phương, đất nước, chúng tôi rất đồng thuận.
Để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, xuất lậu than mỗi năm lên đến 10 triệu tấn, thiệt hại 4.500 tỉ đồng như hiện nay có trách nhiệm của Tập đoàn Than? Để hàng triệu tấn bị xuất lậu mà không biết là vô lý?
Nguồn than xuất lậu ra ngoài chắc chắn có nguồn ăn cắp từ mỏ. Trong ranh giới mỏ, để thất thoát, các công ty thành viên chịu trách nhiệm, chúng tôi quản lý hệ thống cũng có trách nhiệm. Trách nhiệm mỗi cấp khác nhau nhưng nhìn chung chúng tôi phải nhận.
Ba tháng đầu năm 2008 xuất sang Trung Quốc trên 5 triệu tấn than
Ngày 15/1/2008 phó tổng giám đốc TKV Hoàng Văn Thái đã có công văn gửi các đơn vị ký hợp đồng than xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức biên mại biên giới. Theo đó, chỉ có tám đơn vị được tham gia ký hợp đồng xuất khẩu với tổng lượng than trong năm 2008 của các đơn vị này là 3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hải quan Quảng Ninh do phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Lê Công Toàn cung cấp ngày 22/4, trong ba tháng đầu năm 2008 lượng than xuất khẩu qua Hải quan Quảng Ninh là 5.042.833 tấn, tổng trị giá hơn 246 triệu USD. Đó là chưa kể đến số lượng than xuất khẩu ngoài ngành TKV là 855.746 tấn! |
Nhưng nói mỗi năm có tới 10 triệu tấn than buôn lậu, tôi không dám tin con số này.
Cứ suy sẽ ra, tổng sản lượng Tập đoàn Than - khoáng sản khai thác năm 2007 khoảng 43 triệu tấn, qua chế biến còn 41 triệu tấn. Chúng tôi đã xuất khẩu một nửa. Bán trong nước 18 triệu tấn, có hóa đơn, chứng từ. Vậy 10 triệu tấn xuất lậu lấy ở đâu ra?
Ngoài tập đoàn than còn hai công ty khác cũng khai thác nhưng sản lượng chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm.
Vì vậy, con số 10 triệu tấn được đưa ra, theo tôi, là áng chừng, chứ nếu có cơ sở là đáng sợ. Câu hỏi đặt ra không phải 10 triệu tấn thì là bao nhiêu, chúng tôi chưa dám đưa ra vì chưa có xác minh.
Thất thoát là có, nhưng con số thiệt hại đến 4.500 tỉ quá lớn, lợi nhuận toàn tập đoàn chúng tôi năm qua chỉ có hơn 2.000 tỉ. Chắc chắn con số 10 triệu tấn cần phải được xác minh lại, chúng tôi không cho đó là con số đúng.
Nhưng rõ ràng đến nay qua bao nhiêu năm chống khai thác trái phép, có vẻ đây vẫn là cuộc chiến khó với ngành than?
Người dân mua đất, quây tường, cắm chông quanh khu vực khai thác trái phép nên rất khó tiếp cận. Hiện tượng mang đao cướp than tại công trường cũng không phải không có. Cuộc đấu tranh rất gay gắt.
Trước đây chúng tôi dùng giải pháp chiếm lĩnh trận địa, chỗ nào khai thác trái phép chúng tôi vào làm. Giờ chỗ lớn giảm đi, nhưng đất vườn người dân thì không thể chiếm được. Chỗ không được quản lý như thế sẽ dẫn đến tình trạng khai thác trái phép. Vì vậy, tôi rất mừng vì chính quyền làm quyết liệt.
Dư luận tỉnh Quảng Ninh nói khai thác, xuất lậu than tăng là do Tập đoàn Than giao Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ TKV tận thu than lộ thiên ồ ạt, công ty này đã liên kết và cho các đơn vị khác?
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ TKV khai thác được than nhưng do tập đoàn bán nên khó có xuất lậu trực tiếp. Tổng sản lượng của công ty này năm trước chỉ khoảng 800.000 tấn (1,8% tổng sản lượng tập đoàn).
Nói công ty này bán quyền khai thác, theo tôi, không phải. Do công ty thiếu nhân lực nên đã thuê lại các công ty ngoài vào vận chuyển. Người được thuê chủ yếu đào đất, vận tải đất.
Tuy vậy, tôi cũng không thích thuê vận hành, bởi như thế sẽ phức tạp. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh, đang trong quá trình giảm thiểu.
Dư luận có nói sở dĩ Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ TKV được nhiều quyền là do phó giám đốc là người nhà của ông?
Tôi xin nói thẳng em trai tôi, ông Đoàn Văn Thức, là phó giám đốc công ty này. Nhưng không phải vì là em tôi mà có ưu đãi. Tôi đã nói rất rõ trong gia đình tôi nếu ai làm sai sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Việc giao cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ TKV khai thác 15 vỉa lộ là do tập thể lãnh đạo tập đoàn quyết định. Công ty này có gì sai, chúng tôi cũng chấn chỉnh.
Thưa ông, Chính phủ phê duyệt chiến lược phải giảm khai thác than lộ thiên, nhưng đến nay than lộ thiên được khai thác vẫn chiếm tới 65%. Tại sao?
Nhìn vào qui hoạch, chúng tôi đã làm sai, khai thác nhiều hơn. Nhưng dù có nhiều hơn, đến 2015 VN sẽ vẫn phải nhập khẩu than.
Về khai thác lộ thiên, chúng tôi đã hứa với Quảng Ninh sẽ sớm kết thúc và hoàn trả cảnh quan môi trường. Chúng tôi đang làm tích cực chứ không phải không làm, sẽ kết thúc vào 2015 tại vùng Hòn Gai.
Với quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh, ngành than sẽ có biện pháp gì để chống buôn lậu, khai thác than trái phép?
Để xảy ra tình trạng như hiện nay có bất cập trong quản lý. Bất cập đó có trong ngành than, cũng có trong các cơ quan quản lý nhà nước, và có trong cả luật pháp.
Than dưới đất, nhưng chúng tôi không được quản lý đất. Nên hiện tại chúng tôi đang kiểm kê lại tất cả các lộ vỉa, để xem còn bao nhiêu mục tiêu khai thác than trái phép để bàn với chính quyền địa phương tăng cường quản lý.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Than - khoáng sản cũng đã quyết định từ 1-6 sẽ không bán than qua đường mậu dịch biên giới, tiểu ngạch để loại bỏ một cái cớ khiến nảy sinh tình trạng buôn lậu than.
Theo Cầm Văn Kình - Quang Thiện
Tuổi trẻ
Năng lực kém vẫn được giao "sân to"
Báo cáo trước thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng khẳng định việc bỏ hạn ngạch xuất khẩu mặt hàng than đã tạo điều kiện cho ngành than độc quyền sản xuất, tiêu thụ..., dẫn đến kẽ hở cho khai thác, vận chuyển than lậu. Ông Hưng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu than gia tăng là do việc Tập đoàn Than - khoáng sản (TKV) "vừa đá bóng vừa thổi còi" giao cho một số đơn vị, trong đó có Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ (CPĐTTM&DV) TKV tiến hành khai thác tận thu than lộ thiên trên địa bàn huyện Đông Triều đến Mông Dương. Theo tài liệu của Tuổi Trẻ có được, Công ty CPĐTTM&DV TKV lại được TKV giao cho hẳn một "sân to" gồm nhiều điểm khai trường có trữ lượng lớn để khai thác tận thu. Tại Công ty than Mạo Khê, TKV có quyết định điều diện sản xuất gồm bảy điểm giao cho Công ty CPĐTTM&DV TKV khai thác tận thu với diện tích 2.317.900m2. Trong bảy điểm khai thác này, ông Đoàn Văn Kiển ký giao ba điểm; ông Vũ Mạnh Hùng (phó tổng giám đốc) ký giao một điểm và ông Lê Minh Chuẩn (phó tổng giám đốc) ký giao hai điểm; ông Đặng Sỹ Trí (phó giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất - TKV) ký giao một điểm. Tại khu vực giáp ranh giữa Công ty than Cao Sơn và Công ty than Khe Tràm, TKV có quyết định giao địa bàn cho Công ty CPĐTTM&DV TKV khai thác từ cuối năm 2006, toàn bộ số than khai thác được chuyển xuống khu vực cảng hóa chất Mông Dương để chế biến và tiêu thụ. Tại khu vực bắc Khe Tam (giáp ranh khai trường Công ty than Dương Huy và Công ty Xây dựng mỏ) và khu vực đông nam Khe Tam, TKV lại tiếp tục cho Công ty CPĐTTM&DV TKV khai thác từ năm 2006. Ngay tại khai trường của Công ty than Dương Huy đang tiến hành khai thác, ngày 2-7-2007 TKV cũng giao nốt cho Công ty CPĐTTM&DV TKV khai thác tận thu. Tại khu Vĩnh Đĩa (ranh giới mỏ Công ty than Đồng Vông), TKV cũng giao cho đơn vị này khai thác và chở về xí nghiệp thuê của một công ty cổ phần thương mại dịch vụ Uông Bí để chế biến. Được giao hẳn một "sân to" như vậy để làm ăn nhưng do không đủ năng lực, Công ty CPĐTTM&DV TKV đã phải ký hợp đồng thuê tư nhân bên ngoài vào bốc xúc vận chuyển đất đá, than, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong toàn bộ quá trình khai thác, vận chuyển và an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, cùng với việc không quản lý chặt chẽ các khai trường, hoạt động của các công ty thành viên, TKV đã để cho 16/20 đơn vị thành viên ký hợp đồng thuê đơn vị, cá nhân ngoài ngành than vào bốc xúc, vận chuyển đất đá và than. Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình trạng này đã dẫn đến hiện tượng thông đồng, móc ngoặc giữa các đơn vị để vận chuyển, khai thác than đưa ra ngoài hoặc khai khống khối lượng bốc xúc, vận chuyển đất đá để tiêu cực. |