Chiều 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của thành phố
Do chức năng của UBND phường sẽ thay đổi khi không tổ chức HĐND phường, nên dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã; quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND cấp trên; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Về bộ máy, UBND phường nơi không tổ chức HĐND có từ 3 – 5 thành viên, gồm Chủ tịch, 1 – 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, công an.
Thẩm tra sơ bộ nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thí điểm là phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý. Tuy nhiên ông Định lưu ý, đây là vấn đề rất hệ trọng nên vừa phải căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, vừa phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Đồng tình trình ra Quốc hội lần này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề còn liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Vậy tại sao chưa trình luôn cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội, hiện đang tắc ở chỗ nào? Bà Nga đề nghị cần làm sớm để trình Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, làm rõ mô hình UBND phường khi không có HĐND, cụ thể là mô hình UBND hay Ủy ban hành chính? Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mô hình trên phù hợp với mô hình Ủy ban hành chính, và cần phân cấp cho Chủ tịch UBND phường trong việc quản lý cán bộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, cán bộ. Theo ông Phúc, nếu để UBND quận quyết định là không sát với tình hình thực tế. Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về vấn đề giám sát khi không tổ chức HĐND cấp phường.
Giải trình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ mới thông qua Nghị quyết còn cơ chế chính sách Chính phủ sẽ trình sau. Về tuyển dụng công chức cấp phường, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ, bộ máy do UBND thị xã, quận thành lập, cho nên bộ máy công chức phải do cấp trên là thị xã, quận bổ nhiệm.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, về tên gọi, bản chất hoạt động sau này là Uỷ ban hành chính, nhưng tính đi tính lại vẫn lấy tên gọi UBND như hiện nay. Bởi nếu thay đổi tên gọi thì toàn bộ hồ sơ lý lịch dân cư của hơn 5 triệu người sẽ phải đính chính thay đổi, ảnh hưởng đến nhiều dữ liệu cốt lõi của thành phố. “Sau khi tính toán thì thấy tên gọi nên để UBND phường, điều này phù hợp với nguyện vọng người dân khi được lấy ý kiến. Còn đổi mới là thể hiện trong chỉ đạo, điều hành sau này”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn Nghị quyết này sớm được thông qua để đáp ứng tiến độ, vì ngay trong quý I năm 2020, Hà Nội đã tiến hành đại hội cấp phường, sẽ thuận tiện cho công tác cán bộ. Còn những nội dung khác về chính sách đặc thù cho Hà Nội, có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2020, và đến tháng 7 HĐND thành phố Hà Nội họp, như vậy sẽ phù hợp về tiến độ. Riêng về giám sát, sau này sẽ tăng thẩm quyền cho tổ đại biểu HĐND quận để phục vụ chức năng giám sát, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ.