Chủ tịch Hà Nội: Người dân hạn chế ra đường đến đầu tháng 4

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời gian từ nay đến đầu tháng 4. Nếu có việc phải ra đường thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác để phòng, chống Covid-19.

Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 23/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cập nhật các thông tin mới về Covid-19.

 “Làm sao mọi người phải nhận thức bước vào giai đoạn mới, tiềm tàng nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Hà Nội là một trung tâm có sân bay quốc tế và lượng người qua lại rất lớn. Bệnh dịch tiếp tục có tiến triển, cần phải cập nhật thông tin liên tục, công khai minh bach toàn bộ việc phòng, chống, để người dân hiểu, chấp hành, không hoang mang dao động", ông Chung nói.

Theo ông Chung, đến nay, thành phố vẫn kiểm soát tốt tình hình, phản ứng nhanh với mọi tình huống. "Nguồn lây nhiễm tại chỗ chỉ phát hiện 9 trường hợp. Còn 30 trường hợp là từ nước ngoài về", ông Chung nói. 

Ông Chung cho biết, thành phố tiếp tục khuyến cáo mọi người dân từ nay đến ngày 5/4, cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt, không có việc cần thiết không ra ngoài. Nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang nghiêm túc.

"Nếu đi bộ phải giữ khoảng cách giữa mọi người với nhau. Ở các nước hiện nay còn xếp hàng, giữ khoảng cách vào mua đồ ở siêu thị, đi một chiều. Trong quá trình giao tiếp cũng phải giữ khoảng cách để phòng ngừa lây nhiễm", ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng khuyến khích các công ty làm việc trực tuyến, thực hiện mua bán online, khuyến cáo giảm tối đa các cuộc họp nếu không cần thiết. Ngồi họp cũng phải giữ khoảng cách trong hội trường.

Các đơn vị, trụ sở làm việc phải nghiêm túc thực hiện rửa tay bằng xà phòng, đo thân nhiệt, khuyến khích lắp đặt các máy khử khuẩn trước cửa cơ quan.

Các trung tâm thương mại, các cửa hàng cần phòng ngừa cho mọi người, cả khách hàng và nhân viên bán hàng, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn. 

"Các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung thì yên tâm vì đang được phục vụ rất tốt. Không cần phải gửi đồ đạc, đồ ăn. Không nên quá lo lắng, nếu mua đồ ăn mà không được khử khuẩn, được đưa vào khu cách ly tập trung thì rất nguy hiểm. Các đơn vị quản lý cần không tiếp nhận gửi quà", ông Chung chỉ đạo. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các trường hợp F2 vẫn cần duy trì sức khỏe, giám sát chặt chẽ, kinh nghiệm một trường hợp F1 ở Thanh Xuân trở thành F0. Khi đó F1 trở thành F0, rất nguy hiểm. Vì thế, những người thuộc diện F2 cần phải tự nguyện chấp hành. 

Ông Chung tái khẳng định yêu cầu, tất cả các trường hợp đưa vào các khu cách ly tập trung cần xét nghiệm 2 lần, một lần lúc mới vào và một lần trước khi hết hạn 14 ngày. "Khi về rồi vẫn phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày để đủ 28 ngày", ông Chung nói. 

Ông Chung đặc biệt lưu ý, đội ngũ y bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, những người làm việc tại các khu cách ly tập trung có nguy cơ cao nhiễm bệnh, vì thế cần phải được bố trí khu riêng, không được về nhà, tránh lây nhiễm cho người thân, gia đình, cộng đồng. 

"Với các bác sĩ, sau khi các bệnh nhân dương tính khỏi bệnh xuất viện rồi thì vẫn cần tiếp tục cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn. Trong toàn bộ quá trình chữa bệnh thì không được về nhà, phải sinh hoạt tập trung", ông Chung nói.

Ông Chung cũng yêu cầu giảm, không tổ chức việc thăm thân các phạm nhân trong trại tạm giam, tạm giữ. Các trường hợp gửi quà thì nên gửi qua tài khoản, cán bộ trại giam chịu trách nhiệm mua hộ. "Nếu lây nhiễm trong trại giam thì rất nguy hiểm", ông Chung nói. 

Ông Chung nhắc lại thông tin từ cuộc họp với Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kiểm tra về năng lực, cơ sở vật chất, con người, phấn đấu không để lây lan trên địa bàn thành phố, nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. 

"Thành phố đã yêu cầu cấm hết các hoạt động tập trung đông người, từ bi-a, karaoke, nhà hàng, quán bar, kể cả bơi lội. Học sinh thì đã nghỉ học rồi. Tất cả mọi người khi ra chợ mua hàng dân sinh phải giữ khoảng cách. Nếu làm tốt thì vượt qua được. Từ nay đến 5/4, trong 11 ngày nữa thì vượt qua được giai đoạn đầu của giai đoạn 2", ông Chung đánh giá.

Theo ông Chung, giai đoạn này cần quyết liệt hơn, cảnh giác cao độ hơn, phản ứng phải nhanh hơn, chia sẻ thông tin tốt hơn. Tuyên truyền vận động để người dân cùng tham gia, đồng hành để ngăn chặn nguồn lây lan. Nếu kịch bản xấu xảy ra thì cơ sở y tế của chúng ta không được như các nước tiên tiến đâu. Nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào việc ngăn chặn dịch bệnh, vì 18 ngày qua có 9 ca lây nhiễm chéo thôi", ông Chung nói, đồng thời khuyến cáo, công dân hạn chế đi lại các nơi khác, đi lên biên giới, cửa khẩu... Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các trường hợp về nước từ 0h ngày 21/3 trở về trước để lấy mẫu xét nghiệm. 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.