Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Danh sách vụ trưởng cũng bị đóng dấu 'mật'

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh Như Ý
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh Như Ý
TPO - “Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có bộ đóng dấu mật vào cả văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH mà không có tin mật làm cho đại biểu không thể trả lời cử tri thông tin mà mình chất vấn”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, khi Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, sáng 22/11.

Đề cập đến điều 2 của dự thảo quy định về bí mật nhà nước là những thông tin quan trọng an ninh quốc phòng và bí mật quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), ngoài hai vấn đề này còn sót, phải quy định bao gồm cả thông tin đối nội, đối ngoại. Thứ nữa, dự thảo kê ra nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa quốc phòng, nhưng ông không dám nghĩ rằng, việc liệt kê như vậy sẽ đảm bảo khả thi với tất cả những vấn đề nảy sinh.

“Đề nghị có quy định khác bao trùm chặt chẽ hơn để quá trình triển khai thực hiện đảm bảo sức sống lâu dài”, ông Sơn nói.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng có cùng cách nhìn nhận với các đại biểu, khi băn khoăn có nên quy định hạn chế chính quyền địa phương khi xác định độ mật và công bố độ mật?

“Những vấn đề an sinh và liên quan đến kinh tế xã hội, theo tôi trong các luật chuyên ngành đã có điều khoản riêng và có quy định công bố công khai. Vì vậy phải bổ sung thêm ý  là những nội dung mà luật chuyên ngành quy định công khai thì không thuộc  phạm vi điều chỉnh của luật này”, ông Sơn đề nghị.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, quy định của dự thảo luật phải đảm bảo hai yêu cầu là lợi ích nhà nước, tổ chức cá nhân và đảm bảo thực hiện sự công khai, minh bạch của  cơ quan tổ chức đơn vị, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Quốc hội, báo chí và đảm bảo hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Điều này là rất khó nhưng bà Nga nhấn mạnh “khó vẫn phải làm” và làm để đảm bảo cân đối giữa hai yêu cầu: Giữa bảo vệ bí mật thông tin và công khai minh bạch, giữa quyền tiếp cận thông tin  và yêu cầu về đảm bảo  bí mật.

Bà Nga đồng tình với đại biểu là đang có hai xu hướng: Thứ nhất, bí mật của nhà nước bị lộ trong một số trường hợp, ngay cả trên môi trường mạng, và có những văn bản mật quan trọng của cơ quan bị đưa lên mạng điều này ảnh hưởng đến các cơ quan tổ chức đơn vị.

Nhưng ngược lại, có những cơ quan lạm dụng đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật thì chậm rà soát sửa đổi. Có những danh mục mật ban  hành từ những năm 2000,  2004, đến nay vẫn dùng trong khi đúng  luật phải công khai minh bạch.

“Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có bộ đóng dấu mật vào cả văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH mà không có tin mật làm cho đại biểu không thể trả lời cử tri thông tin mà mình chất vấn”, bà Nga ví dụ.

Thứ hai, trong báo cáo thẩm tra đã nêu là chậm công khai và lạm dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ, ngành nhiều trường hợp ảnh hưởng đến nhà nước, công dân, phòng chống tham nhũng, đẩy một số người dân, người hoạt động nghề nghiệp, cá nhân rơi vào phòng lao lý.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đề cập đến việc phân loại bí mật và phạm vi bí mật, dự thảo chia thành ba cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Tuy nhiên, phạm vi như trong dự thảo còn chung chung không xác định được các lĩnh vực, các loại thông tin được xác định, dễ dẫn đến bị lợi dụng ban hành danh mục bí mật nhà nước, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin.

Đại biểu cũng nêu cần quy định chặt chẽ về việc cho phép tiêu hủy bí mật nhà nước. Trong dự thảo quy định việc tiêu hủy khi “không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia…”. Theo đại biểu, quy định như vậy dễ dẫn đến một sự thật khách quan của lịch sử có thể vĩnh viễn bị chôn vùi, và như vậy có thể  làm cho lịch sử bị bóp méo, cắt xén một cách thiếu trung thực. Vì thế, nên đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí làm căn cứ tiêu hủy.

MỚI - NÓNG