Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể

Tết đến tận thềm, người Tây Nguyên vẫn tích cực đi hiến máu
Tết đến tận thềm, người Tây Nguyên vẫn tích cực đi hiến máu
TPO - Không khí hối hả sắm Tết đã đến tận mỗi thềm nhà, góc phố, vậy mà hàng nghìn người ở tận các huyện xã xa trung tâm tỉnh Đắk Lắk vẫn nồng nhiệt đến với Chủ nhật Đỏ để hiến máu cứu người. Nghĩa cử ấy lan tỏa ấn tượng đẹp đẽ, tốt lành cho cộng đồng xã hội.
Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 1

Ngồi dự lễ Chủ nhật Đỏ, mà vui như ngày hội

Việc thiện, ai cũng nên làm!

Đã 4 năm liên tục Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ (CNĐ) tại Đắk Lắk chọn điểm đăng cai là các huyện xa thành phố, mong muốn nhận thức về việc san sẻ dòng máu của chính mình để cứu mạng người khác không chỉ phổ biến trong trí thức thành thị hay lực lượng vũ trang, mà được truyền thông rộng rãi đến mọi miền, mọi tầng lớp xã hội, nhất là những nơi thiếu thông tin như các buôn làng vùng sâu, vùng xa.  

Chuẩn bị cho cuộc “tiến quân về huyện” đầu tiên, chúng tôi (đại diện báo Tiền Phong trên khu vực cùng cán bộ chuyên trách Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh) đã có nhiều cuộc làm việc kỹ lưỡng với các bên liên quan. Ngay sau khi lãnh đạo huyện Ea Kar vận động rất thành công hơn 2.000 tình nguyện viên đi hiến máu trong sự kiện CNĐ đầu xuân 2016, Bí thư huyện ủy huyện Cư Mgar Nguyễn Thượng Hải (nay là Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) lập tức đề nghị báo Tiền Phong chọn Cư M’gar làm điểm đăng cai chính cho CNĐ năm sau.  

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 2 Như ngày hội nhân ái của toàn dân

Không ai trước đó hình dung được Chủ nhật Đỏ có thể trở thành ngày hội hiến máu của toàn dân, đậm đà bản sắc dân tộc đến thế. “Việc thiện ai cũng nên làm” là quan điểm dứt khoát của ông Nguyễn Thượng Hải. Còn Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Chỉ thì yêu cầu tất cả cán bộ lãnh đạo 17 xã thị trấn trong toàn huyện đăng ký hiến máu, làm gương. Phó Chủ tịch UBND huyện Y Wem Hwing- Trưởng ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện giao tổ "Bếp ăn tình thương" nấu sữa đậu nành phục vụ miễn phí cho gần 2.500 người đăng ký hiến máu. Đoàn diễu hành các loại ô tô, mô tô vui nhộn, rồi chương trình biểu diễn văn nghệ các dân tộc trong tiếng chiêng cồng, và cách cắt đặt, sắp xếp các đội hình dự lễ, hiến máu sau đó đã tạo được một dấu ấn đặc sắc, khó phai mờ cho sự kiện “Chủ nhật Đỏ-Tình người Cư Mgar”.

Từ đó, cứ sau mỗi “mùa” Chủ nhật Đỏ, Ban tổ chức lại nhận được nhiều lời đề nghị chọn địa phương mình làm điểm đăng cai Chủ nhật Đỏ cho năm sau. Tới nay, số huyện thành đã tạo được những điểm son đẹp về tinh thần hiến máu cứu người, luôn vượt chỉ tiêu lượng máu hiến với Chủ nhật Đỏ trên cao nguyên Đắk Lắk là Ea Kar, Cư Mgar, Krông Năng, Buôn Ma Thuột, Krông Pắk...

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 3 Phục vụ Chủ nhật Đỏ, đội múa người Mông xã Ea Yiêng diện đẹp như chơi Tết

Góp được gì cũng sẵn lòng

Nhiều huyện xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk, nông dân không ngần ngại rủ nhau chạy xe máy tới 40-50km mới đến được điểm hiến máu.
Trong lần đăng cai tổ chức Chủ nhật Đỏ 2020 mới đây, huyện Krông Pắk đã có sáng kiến vận động tài trợ ô tô chở đồng bào vùng sâu ra thị trấn trung tâm. Nghe lãnh đạo huyện chia sẻ, chị Nguyễn Thị Thu Hương-Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Pắk lập tức xung phong. Chị góp tiền thuê 4 chuyến xe đưa đón đồng bào vùng sâu đi hiến máu, trong đó có 1 xe giường nằm, 1 xe 29 chỗ và 2 xe 16 chỗ để chở hàng trăm nông dân các xã Vụ Bổn, Ea Yiêng và Tân Tiến.

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 4 Bà Ngô Thị Minh Trinh- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (áo đỏ) xung phong hiến máu đầu ngày
Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 5 Ông Trần Trung Hiển- Bí thư huyện ủy Krông Năng hiến máu làm gương

Trò chuyện với PV Tiền Phong, chị Thu Hương cho biết bản thân chị đã tham gia hiến máu từ thời sinh viên, hiểu rõ đây là việc thiện vô cùng ý nghĩa. Rất tiếc ngày CNĐ tại huyện Krông Pắk chị lại phải đi họp phụ huynh cho 2 con tại TP Hồ Chí Minh nên không được hiến máu. “Đọc bài các báo đăng về Chủ nhật Đỏ Krông Pắk thấy người dân sôi nổi tham gia, tôi rất xúc động, mong có nhiều hơn nữa những bài báot như vậy để tinh thần thiện nguyện thấm nhuần sâu sắc trong toàn xã hội.”

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 6 Ai cũng có thể tham gia làm việc thiện

Chị Nguyễn Thị Hà-Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ buôn Ea Dray xã Tân Tiến dẫn đầu đoàn 31 nông dân thuộc 5 dân tộc: Kinh, Nùng, Ê đê, Tày, Vân Kiều đi hiến máu, trong đó có 5 đôi vợ chồng. “Trước chúng tôi thường đi hiến máu bằng xe máy, sau nhiều đôi vợ chồng muốn tham gia nhưng lại không có bằng lái xe, sợ bị phạt, nên chi hội nhất trí trích tiền hội phí thuê ô tô đi cho an toàn. Đoàn khởi hành từ 6 rưỡi sáng, về tới nhà gần 13h, vui quên đói dù chỉ uống mấy cốc sữa đậu nành nóng do Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ huyện phục vụ”- Chị Hà hào hứng kể.  

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 7  Điểm phục vụ miễn phí sữa đậu nành nóng, cà phê và nước chè tươi sau khi hiến máu rất đông khách

Tại điểm Chủ nhật Đỏ ở huyện Krông Năng ngày giáp tết 19/1 mới đây, cũng có hàng chục đoàn người vượt những chặng đường xa về thị trấn hiến máu, được Ban tổ chức phục vụ chu đáo cả sữa đậu nành, chè tươi và cà phê sau khi hiến. Đoàn  công nhân của Công ty cà phê 49 cách trung tâm huyện hơn 12 cây số, đoàn cán bộ nhân viên xã Ea Puk cách hơn 13 cây số. Đông vui mà cũng vất vả nhất là đoàn 60 nông dân hầu hết là người Mông ở thôn Giang Đông, xã Ea Dah, nơi mới đây đồng bào đã vui sướng thấy con em mình được vào ký túc xá 115 do Quỹ Trò nghèo vùng cao xây tặng từ sự kết nối của báo Tiền Phong.

 
Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 8  Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên miệt mài làm việc để tiếp nhận hết hàng nghìn đơn vị máu

Phó Bí thư huyện ủy Krông Pắk Mai Đình Thọ cho biết tại Chủ nhật Đỏ, ông cảm kích nhất cảnh các kỹ thuật viên xét nghiệm ăn cơm hộp vội vàng để liên tục công việc. Bác sĩ Trần Thị Kim Hồng phó giám đốc Trung tâm Huyết học-Truyền máu tỉnh chia sẻ: Xuân nào Trung tâm HH- TM cũng lo lắng, tính toán làm sao đủ máu cung cấp cho cấp cứu và điều trị tại các Bệnh viện. Những năm gần đây nhờ có chương trình “Chủ nhật đỏ” do báo Tiền Phong tổ chức, ngành Y được hỗ trợ nguồn máu bổ sung cực kỳ giá trị. Đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên nhiều người dù vừa phải trực đêm, 5h sáng hôm sau đã phải lên đường đi lấy máu nhưng tâm trạng ai cũng vui vẻ vì không còn phải lo thiếu máu cứu người trong Tết và sau Tết nữa.

Chủ nhật Đỏ trên Tây Nguyên- Chuyện giờ mới kể ảnh 9

"Để Mị nói cho mà nghe"-Phiên bản tại Chủ nhật Đỏ huyện Krông Năng

TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện HH-TM Trung ương cho biết: Tôi rất ấn tượng với cách tổ chức Chủ nhật Đỏ tại Đắk Lắk, vận động được đông đảo đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Mà lại hiến máu tận ngày giáp tết. Nhờ thời gian tiếp nhận máu kéo giãn, mà lượng máu thu được nhiều và rải đều, nguồn dự trữ dồi dào. Hiện tỉ lệ người đi hiến máu trên cả nước mới được khoảng 1,4/100, trong khi tỉ lệ bình quân ở các nước tiên tiến là 2/100, nên cần có thêm ngày càng nhiều hơn nữa những cuộc vận động hiến máu cứu người như Chủ nhật Đỏ trong tất cả các tầng lớp nhân dân.  

MỚI - NÓNG