Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 12, khóa XI:

Chủ động tham gia công việc của đất nước

Phiên chợ 0 đồng của Tỉnh Đoàn Đồng Nai hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PV
Phiên chợ 0 đồng của Tỉnh Đoàn Đồng Nai hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PV
TP - “Màu sắc của tổ chức Đoàn thể hiện rõ nét trong không chỉ Tháng Thanh niên mà cả trong thời gian cách ly xã hội, trong tình hình mới. Đoàn viên thanh niên đã thích ứng linh hoạt, chủ động trong tham gia công việc chung của đất nước và được xã hội ghi nhận”, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 12, khóa XI, ngày 16/7.

Hội nghị cho ý kiến về các nội dung: Sơ kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2020; định hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021.

Khẳng định vai trò đi đầu của thanh niên

Theo báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 hoành hành làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động công tác Đoàn thanh niên. Tuy nhiên, tổ chức Đoàn đã vượt khó khăn, tổ chức thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đó là chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”; “Triệu bữa cơm”; “20.000 việc làm từ xa hỗ trợ sinh viên Việt Nam”; ứng dụng khai báo y tế toàn dân (NCOVI); kính chắn giọt bắn phòng chống lây nhiễm COVID-19; “ship” bài tập cho học sinh trong mùa dịch…

Nêu ý kiến tại hội nghị, anh Vũ Đức Tú - Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng, 6 tháng đầu năm là giai đoạn vô cùng khó khăn. Do đó những thành quả của các cấp bộ Đoàn là đáng trân trọng. Anh Tú cho rằng cần ghi nhận, đánh giá đậm nét vai trò xung kích chống dịch của thanh niên, ghi nhận đóng góp đặc biệt của thanh niên Việt Nam ở nhiều lực lượng, gồm: công an, quân đội, y bác sỹ, phi công, tiếp viên hàng không và thanh niên tình nguyện địa phương.

“Một mặt phản ánh vai trò của đoàn viên thanh niên trong tham gia phòng chống dịch ở khía cạnh tình nguyện, chúng ta cũng phải nhấn mạnh cho được bản chất theo hướng “chống dịch như chống giặc”, bởi rõ ràng đây là một cuộc chiến thật sự. Một bộ phận thanh niên tham gia tuyến đầu chống dịch cũng giống như những “chiến binh”, khẳng định vai trò đi đầu của tuổi trẻ chúng ta”,  anh Tú nhấn mạnh.

Theo anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ, trong 22 ngày đêm khi dịch bệnh bùng phát, đã có gần 3.000 ĐVTN là công an, sinh viên y khoa... tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại Cần Thơ. Tuổi trẻ thành phố đã túc trực tại 10 chốt trên địa bàn, tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19. “Điều đó thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ và đã được ngành chức năng thành phố Cần Thơ đánh giá cao”, anh Nghĩa cho biết.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, bằng những hoạt động, phần việc cụ thể, ý nghĩa, ĐVTN các cấp đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của tổ chức Đoàn, đặc biệt thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, sự sáng tạo, nhạy bén của cấp cơ sở.

“Bài toán khó” với thanh niên khởi nghiệp

Một trong những mục tiêu quan trọng của tổ chức Đoàn là hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Thế nhưng, dù cố gắng mọi cách để trở thành “ông mai, bà đỡ”, bắc nhịp cầu cho ĐVTN nhưng công tác này không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.

Tại hội nghị, anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai, cho biết có nhiều mô hình, phong trào hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Cụ thể, Đồng Nai có 48 tổ hợp tác, 11 hợp tác xã, 198 tổ tiết kiệm - ủy thác,… thu hút hàng ngàn thanh niên tham gia. Tuy nhiên, theo anh Cường, khó khăn hiện nay là mức hỗ trợ vốn vay còn thấp. “Hiện chỉ mới hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/trường hợp, nhưng người vay cần số vốn cao hơn. Thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để giảm bớt khâu trung gian, thương lái”, anh Cường nói.

Vốn luôn là “bài toán khó” với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Thực tế, vốn không thiếu, các quỹ hỗ trợ vay vốn nhiều nhưng người vay vẫn khó tiếp cận. Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng nhìn nhận, vốn có nhưng khó vay đang là tình trạng tại Lâm Đồng. “Tỉnh Lâm Đồng có nhiều quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng đi kèm với đó là hàng loạt tiêu chuẩn, quy định. Thanh niên muốn vay cũng “trần ai khoai củ” vì khó tiếp cận. Khi đã tiếp cận được thì vướng khâu thẩm định nhiêu khê. Các quỹ bảo lãnh vay vốn sợ mất luôn nguồn vốn nên có không ít yêu cầu khắt khe. Cuối cùng, nhiều người quá nản đã bỏ cuộc, hoặc bằng cách vay mượn bạn bè, người thân”, chị Quỳnh cho hay.

Cũng theo chị Quỳnh, rất nhiều thanh niên chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao, họ phải đầu tư rất tốn kém, chi phí đắt đỏ. Nhưng khi vay vốn, họ chứng minh tài sản bằng các khoản đã đầu tư thì ngân hàng không chịu. Không có tài sản thế chấp đồng nghĩa với việc không được vay. Và như vậy, ước mơ lập nghiệp cũng tắt...

Anh Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cho hay, thanh niên tỉnh này rất mong được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp. “Qua COVID-19, tỉnh đề xuất xây dựng kênh thương mại điện tử, hỗ trợ thanh niên bán hàng online. Tuy nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Trung tâm dạy nghề Bắc Giang còn thua kém so với các đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác”, anh Tuyên cho biết.

Tập trung chăm lo đời sống thanh niên

Đánh giá cao những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước trong 6 tháng đầu năm, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, màu sắc của tổ chức Đoàn thể hiện rõ nét trong không chỉ Tháng Thanh niên mà cả trong thời gian cách ly xã hội, trong tình hình mới. Trong giai đoạn khó khăn đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong giới trẻ được giới thiệu và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội.

Cũng theo anh Lê Quốc Phong, dù nhiều hoạt động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên một số địa phương vẫn không thay đổi chỉ tiêu, mà quyết tâm thực hiện đến cùng các chỉ tiêu chung; đồng thời các địa phương cũng xoay chuyển theo nhằm thực hiện cho được các mục tiêu đã xác lập từ đầu.

“Sáu tháng cuối năm, chúng ta buộc phải nỗ lực gấp hai, gấp ba để đạt được chỉ tiêu chung, trong đó tập trung chăm lo đời sống của thanh niên công nhân, lao động trẻ để giúp họ ổn định cuộc sống. Điều này rất cần các cấp bộ Đoàn nhanh chóng triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị.

Cần hỗ trợ cho thanh niên, công nhân vay vốn

Chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Thanh niên công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn, cho rằng việc làm hậu COVID-19 là vấn đề cần ưu tiên hiện nay, nhất là đối với thanh niên đô thị, thanh niên công nhân. Thời gian tới tổ chức Đoàn cần tập trung hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho thanh niên công nhân, giải quyết việc làm cho người mất việc, hỗ trợ chính sách bảo hiểm, tiền lương, thất nghiệp…“Tôi mong rằng, Đoàn Thanh niên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên, công nhân được vay vốn, tạo điều kiện làm kinh tế, khởi nghiệp làm ăn”, chị Hương đề xuất.

MỚI - NÓNG