Chủ động lo nhân lực trẻ

Chủ động lo nhân lực trẻ
TP - Thành phố Cần Thơ vừa sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chính sách thu hút nhân lực cao từ các địa phương khác, kết quả chỉ mời về được một PGS.TS, 4 thạc sỹ và 4 bác sỹ chuyên khoa cấp 1.

> Uy tín từ hiệu quả công việc
> Trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã bị trả thù, cô lập?

Từ năm 2005 đến nay, nhờ chủ động gửi đi đào tạo ở nước ngoài và tuyển chọn công khai trong nước, Cần Thơ đã có được hơn 200 công chức, viên chức trẻ có nghiệp vụ giỏi.

ĐÀO TẠO NƯỚC NGOÀI

Chương trình đào tạo nước ngoài khởi động năm 2005, năm 2008 có người đầu tiên học xong về nước. Đến nay, cử đi 121 người, đã có 111 người về nước, còn 10 người đang học thạc sỹ, tiến sỹ. Ban đầu tập trung tuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhưng do đội ngũ này yếu ngoại ngữ, chỉ tuyển được 7 người (5,79%) nên về sau tuyển người mới tốt nghiệp đại học. Thành ra, hơn trăm công chức đào tạo thạc sỹ từ nước ngoài đều còn rất trẻ.

Chuyên viên Thạch Thị Diễm Phúc. ẢNH: SÁU NGHỆ
Chuyên viên Thạch Thị Diễm Phúc. ẢNH: SÁU NGHỆ.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, ông Trần Phước Sơn, cho biết, theo phản ánh của các cơ quan và đơn vị, công chức đào tạo ở nước ngoài về làm việc tốt, có tác phong công nghiệp hiện đại.

Trưởng phòng Đào tạo của Sở Nội vụ, ông Trần Văn Thiện, cho biết thêm, đến nay đã có 30 người được kết nạp vào Đảng; 24 người được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương.

Thạc sỹ Trang Vũ Phương vừa được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ; thạc sỹ Võ Kim Thoa làm Quản đốc dự án đánh giá tác động cải cách hành chính của Bộ Nội vụ ở TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, chương trình cũng “hao hụt” 9 người (7,4%), trong đó có trường hợp bất khả kháng như bị bệnh. Có người lấy chồng người nước ngoài, có người xin được học bổng nên tự ý học tiếp tiến sỹ hoặc học xong không về nước.

“Có người đã chủ động bồi thường chi phí đào tạo, số khác đang làm thủ tục buộc bồi thường”, ông Sơn nói. Dù sao, theo Phó giám đốc Sơn, kết quả là đáng khích lệ nếu so với chính sách thu hút nhân lực cao, dùng tiền để mời gọi nhân tài ở các địa phương khác về Cần Thơ.

TUYỂN CHỌN CÔNG KHAI

Chị Thạch Thị Diễm Phúc, Chuyên viên Phòng Nghệ thuật của Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, nói chị vào làm việc từ tháng 4 mà nay vẫn còn cảm giác bâng khuâng. Khi nộp đơn thi công chức hồi tháng 10/2012, có đến 24 người tranh một chỗ làm việc, chị rất lo lắng. Diễm Phúc sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh), cha mất sớm, mẹ ốm yếu đi bán vé số.

Chị thi đỗ Trường ĐH Cần Thơ (khoa Ngữ văn), phải gửi đứa em nhờ ông bà nội nuôi, đưa mẹ lên ở trọ để vừa đi học vừa làm đủ thứ nghề nuôi mẹ. Rồi chị có chồng (chồng cũng bán vé số). Kết quả thi, chị đạt điểm cao nhất, nhưng vẫn lo không được tuyển dụng vì “không có thần thế gì”.

 Thi tuyển công khai, dân chủ, với việc đào tạo bài bản, hy vọng sẽ xây dựng được đội ngũ công chức trẻ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để đẩy mạnh công cuộc hiện đại hoá.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Phước Sơn

Phó giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, ông Hồ Văn Hoàng, kể vị trí chuyên viên Phòng Nghệ thuật, trước đó một năm, Sở đã ký hợp đồng với một nữ thanh niên. Theo ông Hoàng, cô này làm việc tốt, nhưng theo quy định mới, phải thi mới được tuyển dụng công chức, và khi thi cô chỉ đứng thứ ba.

“Vợ tôi là Phó Giám đốc Sở Nội vụ, tôi hỏi nhỏ là có cách gì “cứu” được không? Vợ tôi bảo, thi cử công khai phải sòng phẳng, chỉ lấy người có điểm cao nhất”, ông Hoàng nói. Ông Hoàng nhận xét, Diễm Phúc làm việc chưa đầy năm, nhưng đã chứng tỏ năng lực không thua kém gì cô trước.

Kỳ thi tuyển công chức hồi tháng 10/2012, Sở Nội vụ tổ chức tuyển 156 vị trí làm việc cho cả TP Cần Thơ, có 894 người đăng ký tham dự, kết quả tuyển được 112 người (12,5%). Phó giám đốc Sơn cho biết: “Có vị trí hơn 40 người dự thi chỉ lấy một người có điểm cao nhất. Hoàn toàn không có chuyện gửi gắm. Thi cạnh tranh công khai tạo điều kiện cho mọi công dân trên cả nước; nhiều người ở các tỉnh khác, tận miền Trung, miền Bắc đã được tuyển dụng”.

Vì thế, ba cử nhân kinh tế sinh năm 1989 là Huỳnh Thanh Phát, Võ Ngọc Toàn và Lê Quốc Toàn, trúng tuyển vào vị trí Chuyên viên của Văn phòng UBND TP Cần Thơ, nay đầy tự hào mỗi ngày đi làm. Phát là con một gia đình viên chức nghỉ hưu ở Cần Thơ, Ngọc Toàn là con gia đình nông dân ở tỉnh Hậu Giang còn Quốc Toàn là con gia đình nông dân ở tỉnh Bạc Liêu.

Phát tâm sự: “Không có thần thế gì cả, khi nộp đơn thi, chúng tôi cũng lo không đậu. Nhưng cuộc thi thật sự chọn năng lực nên được trúng tuyển, chúng tôi rất tự hào”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.