Chủ động đánh chặn từ xa

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Kiên Giang
Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Kiên Giang
TP - Dịch COVID-19 tại TPHCM đã tạm lắng nhưng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên số ca bệnh đang tăng nhanh. Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã cử lực lượng hỗ trợ các tỉnh thành, chủ động đánh chặn dịch từ xa.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã khẩn trương lên đường hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch với nỗ lực bảo vệ sự an toàn cho người dân, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ tỉnh An Giang, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu…

Tại An Giang, BS. Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Đoàn của bệnh viện bắt đầu hỗ trợ địa phương chống dịch từ ngày 19/10 khi số ca bệnh tăng nhanh. Với những kinh nghiệm sau nhiều tháng trong tâm dịch ở TPHCM, chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp điều trị cho các ca bệnh nặng, hạn chế tử vong. Sau 3 tuần phối hợp các biện pháp phòng chống, đến nay dịch tại khu vực Tân Châu, An Giang đang từng bước được kiểm soát”.

Cũng trong đợt này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động nhiều bác sĩ kinh nghiệm từng tham gia chống dịch đi hỗ trợ cho 5 tỉnh thành, gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Đắk Lắk. TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Tình hình dịch ở các địa phương đang có sự gia tăng ca bệnh trong cộng đồng. Trong các tỉnh bệnh viện đang hỗ trợ, chúng tôi lo ngại nhất là tỉnh Bạc Liêu. Theo tiêu chí phân loại cấp độ dịch, tỉnh đang trong khu vực vùng đỏ”.

“Số ca nhiễm mới, ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 tại TPHCM đã giảm sâu. Ngoài năng lực đáp ứng của hệ thống điều trị thì hiệu quả rất lớn của công tác phòng chống dịch đến từ độ bao phủ vắc xin cho người dân đang sinh sống tại thành phố. Tuy nhiên, TPHCM vẫn có nguy cơ dịch bệnh gia tăng và tái bùng phát. Bên cạnh những nguy cơ lây nhiễm từ những người quay trở lại thành phố làm việc, học tập thì biến thể mới của COVID-19 là vấn đề phải cần đặc biệt quan tâm”.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bệnh viện khác hỗ trợ địa phương thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: điều trị chuyên sâu và chủ động đánh chặn dịch từ xa. Chiến lược hỗ trợ phòng chống dịch của các bệnh viện sẽ tập trung những giải pháp: hỗ trợ xây dựng mạng lưới trạm y tế lưu động; giải quyết vấn đề oxy theo phân tầng điều trị; điều phối chuyển bệnh nhân giữa các tầng; các giải pháp chuyên môn điều trị chuyên sâu; tư vấn khảo sát thành lập các bệnh viện dã chiến, điều trị F0 tại nhà...

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, hiện độ phủ vắc xin ở các địa phương còn khá thấp, trung bình từ 50 đến 60% số người trưởng thành được tiêm mũi 1. Ca bệnh nặng hiện chưa xuất hiện nhiều, tuy nhiên nếu không chủ động đánh chặn trước để bệnh nặng gia tăng thì rủi ro sẽ rất lớn.

“Để cuộc chiến chống dịch mang lại kết quả khả quan, các địa phương cần phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến thuật, phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở, tăng cường nhân lực, trang thiết bị và nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin”, BS Nguyễn Tri Thức nói.

MỚI - NÓNG