Chủ động chống dịch mùa tựu trường

TP - Trước diễn biến gia tăng các ca sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.

TPHCM: Dịch sởi diễn biến phức tạp

Tính đến nay, TPHCM đã ghi nhận gần 600 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 346 ca dương tính sởi và 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.

Ngày 19/8, Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh...

Chủ động chống dịch mùa tựu trường ảnh 1

Ngành Y tế Đắk Lắk tăng cường các biện pháp diệt muỗi tại các khu dân cư

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh cho biết hiện nay tình hình bệnh sởi trên địa bàn TPHCM đang diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu thấp nhất lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc, Cục Quản lí Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.

Theo dõi chặt chẽ, tiêm đủ vắc xin

Ngày 19/8, trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành, Bộ Y tế nhận định việc học sinh các cấp đã quay trở lại trường học nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, Bộ Y tế đề nghị cần rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Những trường hợp mắc bệnh cần được thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần so với cùng kì năm 2024. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã ghi nhận sự gia tăng một số bệnh truyền nhiễm khác.

Hà Nội: Gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), thời tiết nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, nên dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

CDC Hà Nội cho biết, tuần qua Hà Nội ghi nhận 274 ca mắc, không có ca tử vong, tăng 86 trường hợp so với tuần trước. CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động giám sát, điều tra, xử lí dịch sốt xuất huyết tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Hà Đông.

Ngoài ra, trong tuần qua, các ca mắc bệnh truyền nhiễm khác cũng được ghi nhận trên địa bàn thủ đô, trong đó đã có 41 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 11 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 1.818 trường hợp mắc chân tay miệng, không có ca tử vong. Toàn thành phố ghi nhận 41 ổ dịch, hiện vẫn còn 1 ổ dịch tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh. So với cùng kì năm ngoái, số mắc bệnh tay chân miệng đã tăng cao hơn.

Đối với các ca mắc ho gà, CDC Hà Nội cho biết tuần qua ghi nhận 7 ca mắc (tăng 2 ca so với tuần trước), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 222 ca, không có ca tử vong. Bệnh nhân mắc ho gà chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Tây Nguyên: Sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk), từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.600 ca mắc sốt xuất huyết Dengue ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar là 2 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với tổng số trên 900 trường hợp.

Vừa qua, ngày 10/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, một bé trai 11 tuổi xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều. Sau 5 ngày, bé trai được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và các bác sĩ tích cực điều trị nhưng đã tử vong. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên của Đắk Lắk do sốt xuất huyết năm 2024. Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc giám sát dịch tễ, trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nhân dân về công tác phòng chống sốt xuất huyết. Thành lập các tổ xung kích diệt lăng quăng, bọ gậy; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại những địa bàn có số ca mắc bệnh nhiều...

Ngày 19/8, thông tin từ Sở Y tế Lâm Đồng cho hay, năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Tính đến 16h ngày 19/8, toàn tỉnh ghi nhận gần 4.800 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong tại thành phố Bảo Lộc. Hiện tại, thành phố Bảo Lộc và huyện Di Linh là 2 địa phương có ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với tổng số trên 2.500 trường hợp.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn ra phức tạp, sở này đề nghị CDC phối hợp Trung tâm Y tế huyện, thành phố giám sát dịch tễ tại các khu vực có số ca tăng hoặc giảm ít, đặc biệt ở 3 huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.

Đồng thời tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có mật độ ca mắc cao (thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà) để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Trước đó, tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai các hoạt động can thiệp và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 6 đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương.

MỚI - NÓNG
Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do tái diễn mưa lớn tại Thừa Thiên-Huế
Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do tái diễn mưa lớn tại Thừa Thiên-Huế
TPO - Theo dự báo của cơ quan chức năng, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) sẽ có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 150 - 400mm, có nơi trên 500mm; gây nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối tại nhiều huyện, thị xã.