Chủ đầu tư tìm mọi lý do trì hoãn bàn giao phí bảo trì nhà chung cư

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên giải trình. Ảnh Hoàng Quỳnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên giải trình. Ảnh Hoàng Quỳnh
TPO - Sau khi bán căn hộ, chủ đầu tư tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì.

Ngày 24/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, qua tổng hợp số liệu của 40 địa phương đến thời điểm 31/3, có 4.354 tòa chung cư, chiếm hơn 96% tổng số nhà chung cư đã đưa vào quản lý vận hành nhưng không có vướng mắc tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.

Tỷ lệ tranh chấp khiếu nại về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung ở các địa phương có nhà chung cư trên cả nước chiếm tỷ lệ không lớn. Thống kê cho thấy có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại, trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành (chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư cả cũ và mới).

Trong đó có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%, chiếm tỷ lệ khoảng 3,4% tổng số nhà chung cư có quỹ bảo trì (khoảng 2000 tòa) và khoảng 14,8% tổng số trường hợp tranh chấp, khiếu nại của 7 địa phương: Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh; Hải Phòng; Đà Nẵng; Bình Dương; Nghệ An; Lâm Đồng.

Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung gồm: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị (có 54 chung cư chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì); các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị…

Tại hai thành phố lớn, tình hình tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% cụ thể: Hà Nội có 39 tòa có tranh chấp/919 tòa chiếm tỷ lệ 4,2%; tại TP. Hồ Chí Minh là 15 tòa có tranh chấp/867 tòa chiếm tỷ lệ 1,7%.

Theo Bộ trưởng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Vì thế họ không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

Sau khi bán căn hộ lại tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì.

Giải pháp được Bộ trường Hà nêu ra là kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thành phố có đôn đốc, yêu cầu bàn giao, nhưng việc cưỡng chế thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc, vì chủ đầu tư không lập tài khoản riêng. Cưỡng ở tài khoản nào? thu tiền đó như thế nào và cưỡng chế xong chuyển tới tài khoản nào? Ông Hùng kiến nghị cần xây dựng quy định về cưỡng chế, sửa Nghị định 99, Thông tư 02 về mô hình ban quản trị. 

MỚI - NÓNG