Trao đổi với Tiền Phong sau sự việc sáng sớm 11/12 một số lái xe trả tiền lẻ, đòi trả lại tờ tiền 100 đồng gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí trên địa bàn Văn Lâm (Hưng Yên), lãnh đạo Tổng Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết: Sau thời điểm BOT Cai Lậy tình hình có căng thẳng hơn với các trạm thu phí BOT. Với các trạm thu phí trên QL 5, việc lái xe trả tiền lẻ đã xảy ra nhiều tháng nay nên lãnh đạo Vidifi không bất ngờ.
Trả lời câu hỏi Vidifi có chuẩn bị tiền 100 đồng để trả cho lái xe hay không, ông này nói: “Việc người dân trả tiền lẻ là không sai pháp luật. Vì thế, việc chúng tôi có chuẩn bị tiền để phụ lại cho tài xế cũng là điều đúng pháp luật, là hoạt động bình thường” – ông này trả lời.
Lãnh đạo Vidifi cho biết, với tình hình hiện nay, Vidifi đang trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để ổn định tình hình trong lâu dài. “Chúng tôi muốn có giải pháp cơ bản, lâu dài chứ không muốn kéo co, mèo vờn chuột với người tham gia giao thông” – ông này nói.
Một trong những biện pháp đang được tính đến là giảm phí cho toàn bộ xe qua trạm và miễn, giảm nhiều hơn cho các chủ xe gần trạm. Hiện Vidifi đã cùng Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT lên phương án giảm phí.
Cụ thể, Hiện Vidifi đã báo cáo phương án giảm phí hiện nay từ 40.000 đồng xuống còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng đối với xe cơ sở (loại xe dưới 12 chỗ ngồi), các phương tiện lớn hơn cũng sẽ giảm theo.
Với các hộ dân quanh trạm, phương án được đưa ra là miễn, giảm giá đối với xe nhóm 1 (xe chở người dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) không kinh doanh và giảm 20 % đối với xe kinh doanh vận tải. Phạm vi miễn giảm đối với hộ dân dự kiến là cách trạm tối đa 5 km.
Lãnh đạo Vidifi cho hay, việc thu phí QL 5 nằm trong phương án hỗ trợ của nhà nước đối với việc xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. "Cao tốc Bắc - Nam hiện nay, nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ, tương đương 40-60 %; các nước phát triển làm cao tốc đều thế. Lúc chúng tôi làm cao tốc từ năm 2007, Nhà nước không có tiền mặt nên đối ứng bằng quyền thu phí QL 5. Vì thế, trạm thu phí trên QL 5 chỉ bỏ được khi Nhà nước chuyển sang hỗ trợ chúng tôi bằng tiền".
Ông này cũng cho hay, ngay cả phương án giảm phí như trên nếu được thông qua cũng cần sự hỗ trợ, bù trừ của Nhà nước.
Theo Vidifi, trước khi làm cao tốc Hà Nội -Hải Phòng, thời gian di chuyển quãng đường 100 km từ Hà Nội đến Hải Phòng bằng QL 5 hết khoảng 3,4 - 4 giờ. Khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lượng xe phân tán (hiện xe đi cao tốc chiếm khoảng 50%) nên thời gian di chuyển trên QL 5 còn 2 h. Ngoài ra, Vidifi đã và đang bỏ ra 2.500 tỷ đồng để đại tu lại con đường và ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng để bảo dưỡng, duy tu QL 5 suốt quãng thời gian 28 năm của dự án.
Như Tiền phong đưa tin, khoảng 7h30 ngày 11/12, một số tài xế điều khiển ô tô di chuyển trên quốc lộ 5 dùng tiền lẻ trả phí đường bộ tại trạm thu phí BOT, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên khiến khu vực này bị ùn tắc kéo dài. Một tài xế sử dụng tiền lẻ trả phí đường bộ cho biết, anh trả 40.100 đồng để trả phí qua trạm là 40.000 đồng. Nhân viên trạm không có tờ mệnh giá 100 đồng trả lại nên đưa lại 200 đồng nhưng anh không chấp nhận, chỉ lấy đúng số tiền thừa. Dự kiến, lái xe sẽ tiếp tục phản ứng tại trạm thu phí vào giờ cao điểm chiều nay.
Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, các lực lượng có liên quan và chủ đầu tư đã bố trí lực lượng để phân luồng, tránh ùn tắc. "Trước mắt, những trường hợp trả tiền lẻ nào gây ách tắc giao thông sẽ được mời ra khu vực khác. Nếu vẫn tắc bắt buộc sẽ xả trạm" - ông Huyện cho hay.
Về việc chậm trễ phê duyệt phương án giảm giá trên QL 5, ông Huyện cho hay, do cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án do Chính phủ trực tiếp phê duyệt nên phương án giảm giá sẽ do Chính phủ quyết định. Hiện tại, Chính phủ đang lấy ý kiến của 5 bộ liên quan.