Chống xuống cấp đạo đức xã hội: Người Sài Gòn tử tế

Sửa giày miễn phí cho người nghèo
Sửa giày miễn phí cho người nghèo
TP - Cuộc sống mưu sinh giữa thành thị phồn hoa vốn không phải chuyện dễ dàng, nhưng không vì thế mà người Sài Gòn đánh mất đi sự sẻ chia với người có cảnh ngộ khó khăn.

Lá rách đùm lá rách hơn

 Gần 30 năm qua, những người mưu sinh quanh góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (Q.1) không xa lạ gì với hình ảnh người đàn ông đen nhẻm, nhỏ thó có nụ cười hồn hậu, dễ gần làm nghề bơm vá xe tên Phạm Văn Lương. Đặc biệt, với người khuyết tật, anh bơm vá, sửa xe miễn phí mà không lấy bất cứ chi phí nào.

Anh Lương kể, cách đây gần 20 năm, có gặp ông lão bán vé số bị liệt cả 2 chân lết trên chiếc xe lăn xịt bánh than thở: “Qua đã đi nhiều quán nhưng quán nào cũng từ chối. Họ ngại sửa xe cho người khuyết tật hay sợ mình không có tiền để trả?”. Lập tức, anh Lương đỡ ông cụ vào ghế, rồi bắt tay vào vá xe lăn cho ông. Sửa xong, anh không nhận tiền dù ông lão cứ dúi mãi vào túi áo. Thế rồi hôm sau, anh Lương treo tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” giữa ngã ba đường sáng chói. 

Dù tấm bảng chỉ ghi bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, nhưng không ít người nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn, người lao động cũng được anh hào hiệp giúp đỡ miễn phí rất vui vẻ, tận tình. Anh bảo, mình làm không mong sẽ được ai đó nhớ ơn, đền đáp. Anh làm tất cả bởi tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ khó khăn như mình. Biết cuộc sống của anh vẫn bữa nay lo bữa mai, nhiều người khuyên: “Bỏ tấm biển “gàn” kia xuống để kiếm tiền nuôi con, thân mình chưa trọn lại còn lo chuyện bao đồng!”. Nhưng anh vẫn vậy, sống an yên hồn hậu giữa đời với tâm niệm: “Giúp được ai đó là niềm hạnh phúc!”.

Một góc nhỏ ngay trước con hẻm 549 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), chàng trai sửa giày Nguyễn Bá Cường vẫn ngày ngày nhận làm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà nghèo, đông anh em, Cường nghỉ học từ sớm và lao vào cuộc mưu sinh. Làm đủ thứ nghề, cuối cùng bén duyên cùng những chiếc giày. Những ngón tay gầy guộc, đen nhẻm vẫn đan theo từng mũi kim sợi chỉ trên chiếc giày cũ, Cường kể, sinh ra trong một gia đình khó khăn, ba làm nhạc công, thu nhập bấp bênh không ổn định. Vì thế với thu nhập sửa giày gần 100.000 đồng/ngày, Cường trở thành trụ cột, nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Khi được hỏi về dòng chữ: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị, Cường chia sẻ, đây là thầy em dạy, thầy thấy mấy anh chị khó khăn thì giúp đỡ, em không có tiền để giúp nên chỉ có cách này thôi. Mỗi tuần có khoảng 3, 4 người khuyết tật, khó khăn ghé chỗ Cường để sửa giày. Khách gửi giày để sửa chỗ Cường khá đông, hầu hết là vì cách cậu chăm chút sửa cho từng đôi giày cũ, một phần cũng vì “mết” cách làm từ thiện cho người cùng cảnh ngộ nghèo khó của Cường.

“Hẻm ông Tiên” 96 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) đậm ân tình giữa nơi đất chật người đông. Nơi đây có đủ các dịch vụ đều miễn phí. Đầu con hẻm có những bảng nho nhỏ được ghi với nét chữ nắn nót “bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật”, “nước uống miễn phí”, trên vách tường có “tủ thuốc từ thiện xin đừng phá em” hay đến cả dịch vụ “trợ táng và tặng áo quan miễn phí cho những người khó khăn”… đậm tình người Sài Gòn.

Tất cả “dịch vụ” ấy đều do người dân đóng góp, ai có gì góp nấy. Đó là chú Đỗ Văn Phúc (gần 60 tuổi), chạy xe ôm ở con hẻm này đã hơn 30 năm là người sáng kiến ra tủ thuốc nhân ái này. Chú bộc bạch: “Con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận nên có rất đông phương tiện giao thông qua lại. Vì thế, có nhiều trường hợp bị tai nạn, người thì trầy tay, xước chân, xây xát mặt mũi, người bị xỉu ngay tại chỗ… Thế là người dân trong hẻm chung tay gầy tủ thuốc. Người góp tiền, người góp vỉ thuốc, chai dầu gió, cuộn băng keo y tế... Tuy đơn sơ, giản dị nhưng nhờ chiếc tủ thuốc này mà có biết bao người đi đường được giúp đỡ kịp thời hơn chục năm qua”. 

Cũng ở con hẻm này, người mới tới sẽ khá tò mò với tấm biển: “Vạn Phúc - Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24, kể cả ngày lễ, tết và Chủ nhật”. “Chủ nhân” là anh Nguyễn Văn Úc hiện đang làm nghề xe ôm. “Ở khu vực này, người dân nghèo vô gia cư hay đến xin ăn ngủ ở vỉa hè, sống lê lết ngoài đường. Có nhiều trường hợp nửa đêm đột tử mà không có họ hàng thân thích đứng ra lo liệu, anh không đành lòng nhìn thấy cảnh thân xác của những người này bị công ty môi trường đến dọn dẹp, nên đã nảy ra ý nghĩ lo chuyện hậu sự cho họ” - anh Úc kể lý do lập biển này. 

“Điều bình thường” ấm áp

 Gần 10 năm qua, bếp nghĩa tình Bình Trưng Đông (Q.2) vẫn đều đặn đỏ lửa, phục vụ những suất cơm có giá 2.000 đồng đến bà con nghèo trên địa bàn. Tại đây, bàn ghế, trà đá luôn được sắp sẵn chờ đón khách. Mặc dù đến 11h mới mở bán, nhưng nhiều người đã đến xếp hàng từ sớm chờ mua cơm. Họ đều là người già, trẻ em ở các gia đình nghèo khó khăn trong phường. 

Dưới cái nắng như đổ lửa, 2 chị em Nguyễn Thị Hiền (10 tuổi) chở nhau bằng xe đạp đến nhận cơm. Cả 2 đều là hoc sinh lớp tình thương, ngày bán vé số, tối thắp đèn tìm con chữ. Mồ côi mẹ từ sớm, ba làm phụ hồ rày đây mai đó. Thương các em nhỏ nhà nghèo, vất vả mà ngoan ngoãn nên các bà, các dì ở bếp luôn dành những phần cơm đầy ắp cho các em. “Con ăn cơm ở đây lâu rồi. Các bà nấu ngon lắm, nhờ vậy mà tụi con đỡ áp lực về tiền ăn mỗi ngày. Tiền để dành được, con dành dụm để mua thêm sách vở”- Hiền vui vẻ.

Bà Võ Thị Kim Phụng, bếp trưởng cho biết, từ năm 2010 chị và một số chị em trong tổ đã tự bỏ tiền túi 2 lần/tháng nấu cháo dinh dưỡng cùng cơm chay để giúp trẻ em suy dinh dưỡng, người già trong khu phố có được bữa ăn tươm tất. Thấy việc làm nghĩa tình, ngày càng nhiều phụ nữ trong khu phố cũng tự nguyện góp tiền và góp sức cùng chị, nấu tăng suất cơm, cháo dinh dưỡng lên 200 suất/ngày. Kể từ đó, bếp ăn được nhiều người dân trong khu phố tìm đến đăng ký ăn cơm. Nhận thấy đây là việc làm mang tính nhân văn, thiết thực chăm lo cho người nghèo, nên từ tháng 3/2014, UBND quận 2 và UBND phường Bình Trưng Đông đã hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn hoạt động, mở rộng mặt bằng, trang bị bàn ghế, dụng cụ nấu ăn và giao cho Hội Phụ nữ phường quản lý. 

“Khi mình làm gì cho xã hội thì mình vui. Ở đây các chị em dậy từ 4h để nổi lửa, soạn sửa nấu bếp, phục vụ bà con tới chiều mới xong. Học tập mô hình quán cơm 2.000 đồng ở nội thành, lãnh đạo quận cũng gợi ý chúng tôi thu mỗi phần cơm 2.000 đồng gọi là tượng trưng. Riêng những gia đình có trong danh sách hộ cận nghèo, hộ khó khăn thì được phát cơm miễn phí. Người nào khỏe mạnh còn ra nhận được thì ra đây, các cụ bệnh đau, già yếu thì chúng tôi đem tới tận nhà” - bà Phụng nói. Hiện nay bếp ăn nghĩa tình hoạt động vào trưa thứ 3-5-7 hàng tuần, mỗi ngày phục vụ hơn 400 suất ăn.

Và, còn rất nhiều việc làm đẹp đẽ, bình dị nữa vẫn đang diễn ra ở Sài Gòn mỗi ngày, mỗi con đường. 

Chính những việc làm nho nhỏ ấy khiến cho Sài Gòn trở nên thân thương hơn. Cứ tưởng trên mảnh đất xô bồ người người lo cho cuộc sống của mình sẽ quên đi những mảnh đời xung quanh. Nhưng không, vẫn luôn có những người tử tế!
Chống xuống cấp đạo đức xã hội: Người Sài Gòn tử tế ảnh 1 “Hẻm ông Tiên” 96 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) với nhiều dịch vụ miễn phí (trong ảnh là tủ thuốc nhân ái)
MỚI - NÓNG