Chống virus của sự trì trệ
Theo Thủ tướng hiếm có biến cố y tế nào tác động hầu hết quốc gia, lãnh thổ như đại dịch COVID-19, có thể so sánh với đại dịch trong lịch sử như: dịch hạch, dịch sởi… Tuy nhiên, mô hình chống dịch của Việt Nam được thế giới đánh giá cao và đến nay sau 23 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng và không có người tử vong vì COVID-19. “Thành công này nhờ dân tộc Việt Nam có sẵn sức đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Mỗi người đồng lòng hy sinh lợi ích nhỏ của mình, tất cả đều được lợi”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong khi nhiều nước phát triển chịu gánh nặng tài chính lớn trong đại dịch, Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực nhờ tăng trưởng những năm gần đây. Việt Nam cũng khẳng định vị thế, không quá phụ thuộc kinh tế thế giới và năng lực nội sinh của DN Việt Nam vô cùng to lớn. Dịch bệnh đi qua, giờ là lúc nền kinh tế sẵn sàng bung ra, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Để đạt được điều này, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào “5 mũi giáp công” là: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, nhất là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với thị trường 100 triệu dân. Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN phải thể hiện yêu nước bằng hành động, quyết tâm. “Việt Nam chúng ta, DN của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn nhiều nút thắt, tuy nhiên bây giờ không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ. “Chính phủ không thể trực tiếp giúp DN tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy DN tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói. Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. “Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác... virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong DN của chúng ta”, Thủ tướng nói.
6 lời nhắn với DN
Nhắn tới cộng đồng DN, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị là yêu Tổ quốc, nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý tới cộng đồng DN ba yêu cầu, là DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển; DN phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất. Theo Thủ tướng, sau thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo các DN đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của mình và đây là cơ hội “trăm năm một thuở” cho cộng đồng DN Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, cơ hội này trước hết là dành cho DN trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, DN nước ngoài sẽ đến lấy. Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. “Các DN Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.
Giảm lãi suất, ổn định đồng tiền Việt Nam
Theo Thủ tướng, chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển. Trong đó, cần cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục, nhất là vướng mắc ở các địa phương. Thủ tướng lưu ý đặc biệt quan tâm đến DN và người lao động yếu thế, nhất là các DN nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, “không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN”. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho DN.
Thủ tướng cho rằng, lúc này có 3 thứ phải giữ là lao động, giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước lưu ý đến việc tạo môi trường tốt cho DN, hợp tác, hỗ trợ DN cả về chính sách tiền tệ, tài khóa, nhất là giảm lãi suất, chi phí… chia sẻ cùng DN.
“Đặc biệt, các DN đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, nếu có phương án khắc phục khi vi phạm. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho DN vì không có hạ tầng thì khó phát triển. Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”.