Chồng “ vàng mắt” vì vợ sành điệu

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Đến cả cái xe máy là phương tiện đi lại mà vợ tôi cũng đổi xe xoành xoạch, cô ấy chỉ “tạm” bằng lòng với cái xe spacy giá tới gần 200 triệu đồng, mới không “hậm hực” mỗi khi các hãng xe giới thiệu dòng xe mới ra nữa.

Phải nói thật là càng ngày tôi càng choáng váng, mệt mỏi vì thói đua đòi, sành điệu, chạy theo mốt thời thượng của Hà, vợ tôi.

Hai vợ chồng đều là nhân viên làm công ăn lương, tôi làm ở phòng kinh doanh của một siêu thị, còn vợ làm phòng tiếp thị, quan hệ công chúng của một công ty tổ chức sự kiện. 

So với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ tính ở mức trên trung bình, không quá khó khăn để phải vất vả ngược xuôi, đầu tắt mặt tối nhưng cũng không phải quá dư giả, rủng rỉnh gì để có thể vung vít tiêu xài.

Vậy mà nhìn vợ tôi, ai mới gặp cứ nghĩ cô ấy là đại gia, hoặc chí ít cũng là tiểu thư con gái nhà giầu. Từ chân đến đầu cô ấy long lanh lóng lánh, không hẳn là đồ hàng hiệu vài chục triệu một cái áo, cái quần hay cả trăm triệu cái túi xách, nhưng quần áo hay váy của cô ấy cũng tính bằng tiền triệu. Rồi kính đeo mắt, rồi túi xách, rồi giầy, rồi Ipad, điện thoại…cái gì cũng sáng choang, cũng mới toanh theo những mốt mới nhất.

Đến cả cái xe máy là phương tiện đi lại mà vợ tôi cũng đổi xe xoành xoạch, cô ấy chỉ “tạm” bằng lòng với cái xe spacy giá tới gần 200 triệu đồng, mới không “hậm hực” mỗi khi các hãng xe giới thiệu dòng xe mới ra nữa.

Điện thoại thì khỏi phải bàn, cô ấy mua, bán điện thoại như thay áo, cứ hễ các hãng điện thoại giới thiệu sản phẩm mới là cô ấy sôi sùng sục như không có cái điện thoại ấy, cô ấy không thể sống, không thể thở được nữa vậy.

Cô ấy mong chờ, ngóng lên ngóng xuống rồi rên rỉ khi “mãi chưa hàng đâu”, cái nào thị trường Việt Nam chưa có mà chỉ bán ở nước ngoài thì cô ấy cậy cục, nhờ vả hết người này đến người kia để có bằng được cái điện thoại ấy mới thôi. Thế nhưng cả thèm chóng chán, rồi cô ấy lại bán rẻ nó đi sau một thời gian ngắn sử dụng để đổi cái máy đời mới hơn.

Trong cơn sốt “quả táo” 6 này, thấy cô ấy hớn hở cầm cái máy nguyên hộp nhờ bạn mua gửi về từ nước ngoài, mắt sáng rỡ, mặt tưng bừng mà tôi muốn điên tiết. Chưa tính cái điện thoại mấy chục triệu, riêng tiền phí vận chuyển cũng lên đến gần 2 triệu đồng.

Có góp ý với vợ về chuyện tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm những cái gì thiết thực thì cô ấy bĩu dài môi ra, nói vóng vót như thể tôi là người chồng hà tiện, “ngăn sông cấm chợ” gì vợ “tiền em làm em tiêu, mà em mua sắm ăn mặc cũng chỉ để cho đẹp mặt chồng con, chứ ấm hết cái thân em đâu mà anh khó chịu thế”.

Tức nghẹn cổ, tôi to tiếng với vợ “đồng ý là tiền em làm em tiêu, nhưng em nhìn xem, nhà thì chúng mình vẫn đang ở cùng ông bà, con thì ngày càng lớn, không dành dụm lo cho tương lai của con, được đồng nào xào hết đồng ấy như em, thì cuộc sống của cả gia đình này sẽ ra sao? Em làm vợ nhưng không hề lo toan nhà cửa, chai nước rửa bát hết em không biết, gạo không còn đủ để nấu bữa cơm em cũng không hay. Một mình anh cáng đáng cả hai bên gia đình nội ngoại còn em sống như “người cõi trên” trong nhà”.

Đến vậy nhưng vợ tôi vẫn không hề thay đổi tính tình và sở thích của mình. Hôm rồi cả nhà đang ăn tối thì con bé con đột ngột bị đau bụng, sau khi ói mật xanh mật vàng thì con tôi ngất xỉu.

Vội vàng bế con đi bệnh viện cấp cứu, tôi quên không mang theo ví tiền. Đến bệnh viện mới nhớ và gọi điện thoại cho vợ (cô ấy đang đi ăn tối cùng bạn sau khi đi mua sắm về) để cô ấy mang tiền vào bệnh viện đóng tiền khám bệnh cho con.

Hơn nửa tiếng sau vợ tôi mới hớt hơ hớt hải vào viện, bảo cô ấy ra ngoài quầy lễ tân đóng tiền, cô ấy ớ ra “thôi chết, trong ví em giờ còn có chưa đầy 1 triệu, sao đủ đóng. Chiều nay em vừa mua đôi giầy và cái túi mới, cạn cả tiền trong thẻ luôn rồi”.

Nhìn con nằm truyền nước thiêm thiếp trên giường bệnh, rồi nhìn vợ sành điệu nước hoa thơm phức, áo váy xúng xính đứng bên cạnh, tôi thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng.

Không lẽ gia đình tôi lại “tan đàn xẻ nghé” vì vợ sành điệu?

MỚI - NÓNG