Doanh nghiệp khởi sắc
Nhìn lại kết quả năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bối cảnh ngành khai khoáng, nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP) nhưng GDP tăng 6,21%. Đặc biệt kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc khi lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt tồn tại, hạn chế trong năm 2016, như sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn; một số ngân hàng thương mại yếu kém, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng; có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh…
Đề cập việc thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 3 năm 2014-2016, định hướng đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nhất là khâu thực hiện ở địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong năm 2017 sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, phấn đấu thành lập mới 50.000 doanh nghiệp và đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp... Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm tới, Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện hiệu quả năm kỷ cương hành chính.
Khẳng định, Hà Nội làm được nhiều việc tốt, nhất là cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, nhưng Thủ tướng lưu ý một vấn đề đang nổi lên ở Hà Nội là ùn tắc giao thông. Trong đó, nguyên nhân không thể không nói đến là việc cho xây quá dày đặc các chung cư cao tầng trong các quận nội đô. “Chúng ta không thể chối bỏ nguyên nhân này. Đây là bài học kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch mà tới đây Hà Nội phải xử lý”, Thủ tướng lưu ý.
Photo: ..
Bí thư, Chủ tịch tỉnh không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa
Đề cập dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”. Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng...
“Chúng ta gặp nhau hàng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội - làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá, phong bì đụng đầu nhau”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, sẽ sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ. Khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm... tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Đặc biệt sẽ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Theo Thủ tướng, tình trạng vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân, để thất thoát tài sản nhà nước… là những việc đụng chạm hằng ngày ở khối chính quyền. Vì vậy, tinh thần là phải chống có hiệu quả tình trạng hối lộ, chống “sân trước”, “sân sau” mà trước đây gọi là “móc ngoặc”. Thủ tướng cũng lưu ý, đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái thì cần thay đổi ngay trong cả tư tưởng và hành động.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cơ chế giám sát như thế nào. “Người ta nói với tôi rất nhiều là các vị nói rất hay nhưng thực hiện giám sát thế nào?”, Thủ tướng nói và nhắc lại lệnh cấm tặng quà dịp Tết này: “Xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.
“Chúng ta gặp nhau hằng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội - làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá, phong bì đụng đầu nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.