Chống đầu cơ vàng, phải lấy độc trị độc

Làm sao chống được đầu cơ vàng
Làm sao chống được đầu cơ vàng
Khi giá vàng cao, nhiều doanh nghiệp chủ trương bán hết kho. Nhưng lúc giá "rơi" xuống, họ ngừng bán và thu lợi lớn, còn nhiều người dân thì chịu thiệt. Làm sao chống được đầu cơ vàng?

> Hai mỏ vàng lo đóng cửa vì thuế xuất khẩu

Làm sao chống được đầu cơ vàng
Làm sao chống được đầu cơ vàng.

Hơn 2.500 lượng là tổng số vàng mà một tổ chức có chức năng kinh doanh kim loại quý hiếm này bán ra trong ngày 9-11-2010 với giá từ 38 triệu đồng/lượng trở lên. Họ chủ trương bán hết kho nếu giá vàng ở trên mức đó. Tuy nhiên nhu cầu mua ở mức giá họ sẵn sàng bán không cao như mong đợi. Vào lúc giá vàng “rơi” xuống dưới ngưỡng 38 triệu/lượng, họ ngừng bán.

Động thái ngừng bán được lý giải như sau: chúng tôi là người kinh doanh, giá phải ở một mức đảm bảo có lợi nhuận mới bán. Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng chuyển đổi 30% vàng huy động thành tiền như trước, các ngân hàng còn phải mua lại vàng để bù vào số vàng đã chuyển đổi. Nhu cầu vàng, như thế, gián tiếp được đẩy lên cho dù trong thời gian dài hay ngắn.

Sự cách biệt của giá quy đổi và giá thị trường

Trước “cơn sốt” ngày 9-11 giá vàng khá bình lặng, một sự bình lặng chứa đựng những ngọn lửa âm ỉ khi tỷ giá thị trường tự do không thể rớt xa mức 21.000 đồng/đô la Mỹ. Lúc đó đã có những dấu hiệu lăm le đẩy tỷ giá thị trường tự do bằng giá vàng.

Điều kiện cần cho dấu hiệu chuyển thành động thái thật là sự gia tăng đột biến của giá vàng thế giới. Điều ấy đã xảy ra khi giá vàng quốc tế vượt ngưỡng 1.400 đô la Mỹ/ounce.

Đến lượt mình, khi giá vàng tăng, giá đô la tiền mặt tự do trở nên rẻ hơn so với vàng và hệ quả tất yếu là người ta “chạy” sang mua đô la. Giá đô la tiền mặt tác động tức thì đến giá đô la chuyển khoản. Động thái găm giữ đô la từ các đối tượng có nguồn thu ngoại tệ càng được củng cố.

Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó, sự cách biệt giữa giá vàng quy đổi theo tỷ giá kịch trần mà các ngân hàng được phép giao dịch chính thức và giá thị trường là điều được ghi nhận. Giá vàng quốc tế cao nhất ở mức 1.425 đô la Mỹ/ounce, tương đương giá quy đổi 33,5 triệu đồng/lượng (công thức tính: giá vàng thế giới x 1,200556 x tỷ giá 19.500 đồng, chưa tính phí gia công), chênh lệch tới 4,5 triệu đồng/lượng so với giá thị trường.

Mức 38 triệu đồng/lượng của giá vàng nội địa tương đương hơn 1.600 đô la Mỹ/ounce, là mức giá cao nhất thế giới. Còn nếu tính theo tỷ giá thị trường tự do cao nhất thời điểm ấy, giá vàng nội địa tương đương 1.482 đô la Mỹ/ounce, cũng vẫn khiến các tổ chức đầu cơ quốc tế phải ngả mũ chào!

Lấy độc trị độc

Cung cầu ngoại tệ căng thẳng là chuyện có thật, nhưng căng thẳng ở tỷ giá 19.500 đồng/đô la Mỹ. Còn nếu tỷ giá này được cộng thêm phí để giá giao dịch thật ngang với tỷ giá thị trường tự do, thì nguồn cung vẫn có và có tương đối nhiều. Trong khi đó, giá vàng nội địa hiện tại vẫn cao hơn giá quốc tế dù Nhà nước đã cho nhập vàng và bãi bỏ thuế nhập khẩu.

Vàng và tỷ giá thị trường tự do tiếp tục là hai lực kéo, đỡ cho nhau đứng ở mức cao. Khi giá vàng quốc tế giảm, giá vàng trong nước giảm theo nhưng rất chậm và ít, còn giá đô la thị trường tự do tăng lên. Ngược lại tỷ giá thị trường tự do giảm nếu giá vàng quốc tế tăng kéo giá vàng trong nước tăng theo.

Để chống đầu cơ giá vàng, cho nhập vàng nhỏ giọt theo hạn ngạch là chưa đủ. Ở đây cần một biện pháp mạnh để kéo giá vàng nội địa ngang với giá quốc tế. Và một khi giá vàng trong nước bằng hoặc thấp hơn giá thế giới, khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức và phi chính thức sẽ ngắn lại.

Muốn giá giảm, đơn giản là nguồn cung phải cao, phải có ai đó tung vàng ra bán. Câu hỏi là ai bán? Vàng ở đâu để bán?

Thống kê cho thấy nguồn vàng hàng triệu lượng đang nằm ở các ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc đá quý. Các ngân hàng không dám và không thể bán vàng vì một mặt e ngại giá lên, lỗ không ai bù, mặt khác quy định không cho phép bán.

Trước đây mỗi khi giá vàng tăng, một bộ phận nhà đầu tư vay vàng ngân hàng để bán, chờ giá xuống mua lại trả nợ. Nay “cửa đánh xuống” này đã bị chặn.

Các công ty kinh doanh vàng bạc 100% vốn nhà nước cũng không thể đảm đương vai trò người bình ổn thị trường vàng. Người có thể bán vàng ra và bình ổn, điều tiết thị trường phải là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhưng NHNN lấy vàng đâu để bán? NHNN có thể vay vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng và ủy thác cho họ bán theo mức giá chỉ đạo của NHNN.

Cần bao nhiêu lượng vàng để dập tắt “cơn sốt”? Con số có thể là 50.000 lượng theo như chúng tôi tham khảo ý kiến của một số công ty và tổ chức tín dụng. Thực tế chỉ ra tổ chức nọ chỉ cần bán ra 2.500 lượng là giá giảm. Trong trường hợp họ tiếp tục bán thêm, giá giảm nữa. Với mục tiêu điều tiết thị trường, NHNN có thể bán thêm cho đến khi giá vàng nội - ngoại ngang nhau, vì NHNN không kinh doanh như các doanh nghiệp.

Đánh đổi

Bán vàng vay như thế NHNN thu được tiền đồng. Đây là một cửa hiệu quả hút tiền về để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, nhìn từ góc độ kinh doanh lãi suất vay vàng của NHNN có thể 1-2%/năm (lãi suất huy động vàng của ngân hàng đang giảm mạnh), trong khi lãi suất tiền đồng đang ở mức 12-13,5% đầu vào và 15-20%/năm đầu ra.

Vay vàng có rủi ro nếu giá quốc tế tăng. Sự chênh lệch lãi suất vay vàng và lãi suất tiền đồng thu được có thể bù đắp một phần rủi ro. Việc bán vàng ở mức giá cao và giảm dần cho đến khi giá trong nước ngang giá quốc tế có thể mang lại một phần bù đắp nữa, nhưng chưa đủ.

Do đó, khi vay vàng NHNN cần bảo hiểm và khi giá quốc tế có chiều hướng lên, NHNN có thể mua vàng option bên ngoài (quyền chọn mua) để tự vệ. Vào thời điểm thị trường bình ổn, NHNN chủ động mua vàng để trả cho doanh nghiệp, ngân hàng.

Bình ổn thị trường vàng bằng cách trên đòi hỏi nghệ thuật tiến hành, sự kết hợp của nhiều yếu tố từ nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và cả “cảm giác thị trường”. Nó là sự đánh đổi xứng đáng nhằm góp phần ổn định vĩ mô, đặc biệt tỷ giá, lạm phát.

Đáng quan tâm là phần lớn số vàng NHNN ủy thác bán ra qua các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ quay trở lại ngân hàng dưới dạng tiết kiệm vì ít ai giữ vàng ở nhà. Tận dụng vòng quay này thuộc khả năng của người cầm trịch - NHNN.

Nhìn rộng hơn, trong hoàn cảnh Việt Nam, nơi vàng không chỉ là hàng hóa, mà còn là phương tiện thanh toán, tích lũy tiết kiệm của người dân, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với tiền đồng, ngoại tệ, Nhà nước phải quản lý thị trường vàng bằng chính những công cụ thị trường.

Khi người dân có nhu cầu về vàng, không thể ngăn chặn nhu cầu ấy bằng mệnh lệnh hành chính. Cầu được thỏa mãn đầy đủ, thị trường sẽ bình yên.

Theo Hải Lý
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG