Chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát chặt quyền lực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị T.Ư 7
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị T.Ư 7
TPO - Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đề ra hàng loạt các giải pháp chống chạy chức, chạy quyền, thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và khuyến khích thực hiện ở cấp chủ tịch UBND những nơi có điều kiện.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 26 – Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bổ nhiệm họ hàng, “cánh hẩu” gây bức xúc

Về công tác cán bộ, bên cạnh những tích cực, nghị quyết cũng nêu rõ việc còn một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát chặt quyền lực ảnh 1 Hội nghị Trung ương 7

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về nguyên nhân, nghị quyết cho rằng, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới...

Kiểm soát chặt quyền lực

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nghị quyết đề ra những mục tiêu cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn.

Theo đó, nghị quyết quy định thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương theo mục tiêu đề ra; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch Uỷ ban nhân dân, nếu có điều kiện.

Chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát chặt quyền lực ảnh 2 Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 7

Đồng thời xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

Đặc biệt nghị quyết yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm".

“Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền”, nghị quyết nêu rõ.

MỚI - NÓNG