Chống buôn lậu, gian lận gặp khó vì “đạn bọc đường”

Lực lượng 389 Quảng Nam bắt giữ vụ vận chuyển trái phép gần 2.000 bao thuốc lá lậu đầu tháng 12/2017.
Lực lượng 389 Quảng Nam bắt giữ vụ vận chuyển trái phép gần 2.000 bao thuốc lá lậu đầu tháng 12/2017.
TP - “Đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều cám dỗ nhất, nhiều viên đạn bọc đường nhất. Do đó, chúng tôi phải quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ…”, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Buôn lậu (C74), Bộ Công an thừa nhận.

Một số công chức tiếp tay cho tội phạm

Ngày 31/1, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 QG) tổ chức họp báo về chống buôn lậu (CBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTM&HG) năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Theo Chánh văn phòng BCĐ 389 QG Đàm Thanh Thế, năm 2017, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang buôn lậu vẫn diễn ra. Tại khu vực biên giới Tây Nam bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp, gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý hình sự.

Cũng theo ông Thế, tuyến đường biển là khu vực nóng nhất về nạn buôn lậu xăng dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, thực phẩm chức năng… Đối tượng vi phạm chủ yếu lại là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa và các tàu thuyền hoạt động kinh doanh, khách du lịch, cư dân giáp biên.

Riêng với tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, Chánh văn phòng BCĐ 389 QG cho hay, hàng vi phạm chủ yếu là ma túy, vàng, vũ khí, các sản phẩm động vật hoang dã, điện thoại, rượu, thuốc lá ngoại, xì gà,… Đáng chú ý, theo ông Thế, phi công, tiếp viên hàng không, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tuyến hàng không cũng vi phạm quy định về buôn lậu.

Thực thi nhiệm vụ có vấn đề về đạo đức?

Theo ông Thế, tuy kết quả đấu tranh CBL, GLTM & HG đã góp phần ổn định tình hình kinh tế- xã hội phần nào, song thực tế vẫn còn những bất ổn.

Nguyên nhân chính, theo ông Thế bởi một số cấp ủy chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt, chưa quan tâm thực sự tới công tác này. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ có vấn đề về đạo đức. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác này chưa đồng bộ.

Ông Thế khẳng định không có vùng cấm trong công tác này. Do đó, khi có nhiệm vụ, tất cả lực lượng liên quan cùng phải vào cuộc, không có phân định địa bàn. Ngoài đấu tranh phòng ngừa, tập trung nghiên cứu những đề án phát triển kinh tế đối với vùng sâu, vùng xa - nơi tội phạm hay lợi dụng lôi kéo người dân nghèo tham gia vận chuyển hàng lậu.

Theo đại tá Từ Quốc Lệ, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng), riêng tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng đầu nậu thường ràng buộc trách nhiệm giữa chủ hàng với người vác hàng thuê, nhằm đảm bảo hàng hóa không bị thất lạc bằng cách đặt cọc một nửa giá trị lô hàng. Do đó, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng này chống đối quyết liệt và manh động. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, ông Lệ cho rằng, một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Thậm chí, có địa phương coi việc đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ của ngành Hải quan, Biên phòng và Công an.

Trong khi đó, trung tá Trần Viết Phương, Phó cục trưởng C74 thừa nhận, việc phát hiện, điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chứng minh yếu tố qua biên giới của tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa. Ngoài ra, theo ông Phương, việc định giá trị bằng tiền và giám định vật chứng như động vật hoang dã rất khó khăn bởi đây là mặt hàng cấm, không được bán trên thị trường nên không xác định được trị giá thương mại. Việc xử lý hình sự các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, pháo nổ vẫn vướng mắc.

Cũng theo trung tá Phương, nếu không triển khai sâu các biện pháp nhiệm vụ thì xử lý buôn lậu hiện nay chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, bắt không đúng, không trúng các đối tượng đầu nậu, người đứng sau chỉ đạo các đường dây. “Đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều cám dỗ nhất, nhiều viên đạn bọc đường nhất. Do đó, đảng ủy lãnh đạo cục chỉ đạo chúng tôi phải quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ. Mỗi người đều phải có sổ nhật ký công tác cũng như sổ báo việc, đi báo việc về báo công, giao chỉ tiêu cụ thể và phải báo cáo kết quả đạt được”, trung tá Phương nói.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, con người là nhân tố quyết định trong công tác này. Do đó, theo ông Hùng, cần kiện toàn lực lượng chuyên trách, sử dụng cán bộ công minh, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực. Nói cách khác, phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng chống tội phạm.

MỚI - NÓNG