Chơi vơi mùa nước nổi - kỳ 3: Nỗi buồn tha hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp) giáp biên giới với Campuchia, nhiều năm trước được mệnh danh là vùng “trên cơm, dưới cá” của rốn lũ vùng biên. Cá tôm ngày càng cạn kiệt vì lũ về thấp, người dân không còn mặn mà với nghề câu lưới, phải rời bỏ quê hương đi làm ăn xa để kiếm kế sinh nhai.

Khoảng 5 năm trước, vào mùa lũ, muốn đến được cụm dân cư Giồng Bàng, ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp) không cách nào khác phải đi vỏ lãi hay xuồng khoảng 5km mới đến nơi. Thời điểm đó, khu vực này trở thành “ốc đảo”, bị cô lập với bốn bề nước bao quanh. Mọi kết nối với đất liền rất khó khăn, tuy nhiên, bù lại, khu vực này cá tôm nhiều vô số kể. Nhưng hiện nay, đường nhựa rộng 7m đã kết nối cụm dân cư này với trung tâm xã, thậm chí, có đường ô tô dẫn sang cả các xã khác trong huyện. Hạ tầng phát triển, nhưng nguồn lợi tôm cá vào mùa lũ dần biến mất.

Chơi vơi mùa nước nổi - kỳ 3: Nỗi buồn tha hương  ảnh 1

Quang cảnh khu dân cư Giồng Bàng vắng vẻ, đìu hiu ẢNH: HÒA HỘI

Một buổi sáng ngày cuối tháng 10/2023, ông Nguyễn Văn Trạm, 57 tuổi ở ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1) chạy vỏ lãi đi dở dớn (bắt cá) ngoài đồng. Ông Trạm buồn bã nói, 8 cái dớn (dụng cụ đánh bắt cá - PV) đặt từ hôm trước chỉ thu được gần 1kg cá, bán làm cá mồi giá 6.000 đồng/kg. “Tính ra chưa được 5.000 đồng thì lấy gì mà sống. Ở đây giờ không còn cá. Chúng tôi sống nhờ mùa lũ mà không có cá thì sống không nổi. Gia đình tôi phải đi vay tiền, vay gạo cho qua mùa. Đến mùa khô, chúng tôi đi làm thuê để trả lại”, ông Trạm nói.

Vợ chồng ông Trạm sống tạm trên phần đất nhà nước giáp mé kênh. Gia đình cất được căn nhà cấp 4 rộng vài chục mét vuông, “tuổi thọ” đã trên chục năm, giờ cũ kỹ, mục nát. Ông Trạm bảo, sợ nhất là mưa giông, nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Tôi muốn sửa lại cho lành lặn nhưng lấy tiền đâu mua cây, lá để làm”, ông Trạm lắc đầu ngao ngán. Tay quấn điếu thuốc bằng giấy, hít hơi thật sâu, ông liếc mắt nhìn qua bờ kênh bên kia biên giới. Ông Trạm bảo, cách 200m là nước bạn Campuchia, bên đó cá tôm nhiều hơn, nhưng ông chưa bao giờ sang đó. Gia đình ông Trạm có 3 người con. 2 đứa lớn học hết lớp 2, lớp 3 rồi nghỉ phụ giúp gia đình, sau này lớn lên cũng đã lên Bình Dương làm thuê. Con gái út của ông học chưa hết lớp 9 cũng nghỉ rồi đi làm công nhân trong tỉnh, thỉnh thoảng vài ba tháng về thăm nhà một lần.

“Ấp Giồng Bàng có 181 hộ, 591 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống nghề nông, làm thuê. Đến nay, có khoảng 50% người trong độ tuổi lao động rời quê đi làm thuê xa. Trong ấp chỉ có 1 – 2 em tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường rồi cũng đi làm thuê”.

ông Đặng Văn Bé, Trưởng ấp Giồng Bàng

Ông Trạm kể, những năm 2000 - 2010 ở Giồng Bàng nhiều cá, chỉ cần thả lưới hay quăng chài xuống kênh là cá ăn không hết. Trên bờ ruộng lúa bao la, nhà nào không có ruộng chỉ cần đi mót lúa cũng đủ sống nên ông bà hay nói “trên cơm, dưới cá”. Cũng chính vì dễ sống nên gia đình ông từ trong xã (cách khoảng chục cây số) ra cụm dân cư này sinh sống đến giờ. Theo lời ông, ngày xưa, mùa lũ, ngồi trên sàn ăn cơm, cá lội cả bầy phía dưới. Cơm đổ xuống là cá tranh nhau ăn, chỉ cần ngồi trong nhà cũng bắt được cá…

Chơi vơi mùa nước nổi - kỳ 3: Nỗi buồn tha hương  ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Trạm bên căn nhà cấp bốn xập xệ của mình ẢNH: HÒA HỘI

Người trẻ tha hương

Ngồi nhà ông Trạm, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi) dẫn cháu nội đi bán cá. Bà Huệ cho biết, con trai đi đặt dớn từ hôm trước, sáng nay đi dở dớn được khoảng 1 ký cá, bán được 25.000 đồng, đủ mua hộp sữa cho cháu nội. Bà Huệ bảo, khoảng mười ngày nay không bắt được nhiều cá. Đống dớn cũ vừa mua 800 nghìn đồng của người khác về vá lại để sử dụng, do không có cá nên còn chưa mang ra đồng.

Trước đây bà Huệ sống ở trong đất liền. Do không có ruộng đất, biết ngoài này cá nhiều, dễ sống nên cả nhà kéo nhau ra ở đến giờ đã trên 20 năm. Vợ chồng bà Huệ có 6 người con, 4 người đã có gia đình riêng. Con trai thứ 5 của ông bà cũng lập gia đình, nhưng có con được 1 tháng tuổi thì vợ bỏ đi, thành ra ông bà phải nuôi cháu 3 năm nay. Chán nản, anh này bỏ lên Bình Dương làm thuê. Con trai út của ông bà cũng đi làm ở Bình Dương, nhưng mới về lại quê để chăm lo cho bố mẹ, đặt dớn kiếm tiền sống qua ngày.

Ông Phạm Hồng Cường, Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, toàn xã có 6.614 hộ với 24,473 nhân khẩu. Người dân chủ yếu nghề nông, đánh bắt thủy hải sản, làm thuê. Hiện nay trên địa bàn xã có gần 4.000 người đi làm ăn xa.

Căn nhà gia đình bà Huệ đang ở được nhà nước cấp nền tái định cư. Bên cạnh là căn nhà của con trai bà, cũng được nhà nước hỗ trợ nền và bộ khung bê tông, nhưng đến giờ vẫn chưa có tiền mua cây, lá dựng cho lành lặn. Theo lời bà Huệ, nhà nghèo, lo miếng ăn còn vất vả nên tất cả 6 người con của bà đều không biết chữ. “Mạnh đứa nào đứa nấy làm lo cho gia đình, con cái mình. Trước đây cá tôm nhiều thì dễ sống hơn. Giờ tụi nó kéo nhau lên Bình Dương làm thuê hết, thỉnh thoảng giữa hoặc cuối năm về ăn Tết vài ba hôm rồi lại đi Bình Dương làm tiếp, cứ thế cả chục năm nay”, bà Huệ nói.

Chơi vơi mùa nước nổi - kỳ 3: Nỗi buồn tha hương  ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Huệ cùng cháu nội trong căn nhà tạm bợ ẢNH: HÒA HỘI

Ông Đặng Văn Bé, Trưởng ấp Giồng Bàng cho biết, trước đây vào mùa lũ, khu vực này đi lại khó khăn, muốn vào đất liền đi chợ hay đi học đều phải dùng xuồng, ghe hoặc đi đò. Các cháu học sinh cấp 2, 3 đi lại vất vả vô cùng, rất sợ những hôm giông gió. Học sinh cấp 1 thì được nhà nước bố trí điểm phụ học tại cụm dân cư, thầy cô phải vượt khó sang dạy học. Từ năm 2017, nhà nước làm xong tuyến đê dài hơn 5 km liên thôn trong xã, mọi việc thuận tiện hơn, nhất là với các em học sinh.

Có một trăn trở lớn, theo ông Bé, lực lượng lao động trẻ ở cụm dân cư đã rời quê đi làm ăn xa gần hết. Địa phương không có việc làm, nguồn lợi từ mùa lũ không còn như trước buộc các thanh niên trai tráng phải đi làm thuê. Người ở lại phần lớn là người già, trẻ em. Đáng ngại hơn, theo ông Bé, hoàn cảnh đã khó, đi đâu cũng khó, bởi phần lớn lao động ở địa phương ít học vấn, không tay nghề…

(còn nữa)

MỚI - NÓNG