Cho vay ưu đãi nhà ở xã hội: Chính sách phải đi đúng đối tượng

Nhu cầu cần nguồn vốn tín dụng vay ưu đãi mua NƠXH đang rất lớn
Nhu cầu cần nguồn vốn tín dụng vay ưu đãi mua NƠXH đang rất lớn
TP - Thời gian quan, thực tiễn thực hiện chính sách cho vay ưu đãi chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) cho thấy vãn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để chính sách an sinh xã hội quan trọng này thuận đường tới đích. Hiện, cầu NƠXH đang mất cân đối, trong đó, nhà cho công nhân đang thiếu trầm trọng. Nút thắt này cần được gỡ.

Mới đây, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG - ngân hàng dẫn đầu thị trường Đức trong lĩnh vực tiết kiệm nhà ở đã  tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Tại Hội thảo, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có đô thị, khu công nghiệp phát triển.

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương đến tháng 10/2018, cả nước đã hoàn thành 1.189 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 3,9 triệu mét vuông. Tuy nhiên 3,9 triệu mét vuông này chỉ chiếm 30% trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 12,5 triệu mét vuông đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất cần sự cố gắng hơn nữa.

Về vấn đề này, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 185.038 tỷ đồng, với 6,7 triệu khách hàng đang vay của 20 chương trình tín dụng ưu đãi.

Trong đó, có 4 chương trình cho vay về nhà ở là hỗ trợ hộ nghèo xây dựng để phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng Sông Cửu Long và chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ.  Riêng các chương trình tín dụng về nhà ở xã hội đã có tổng doanh số cho vay 7.611 tỷ đồng, trên 682.000 hộ được vay vốn, dư nợ đạt 6.397 tỷ đồng.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã xây dựng được 568.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 13.000  căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; có gần 2.000 hộ vay mua, xây nhà xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG về cho vay tiết kiệm nhà ở, ông Michael Dorner, Giám đốc các dự án Hợp tác quốc tế của ngân hàng này cho biết, nguồn vốn huy động của Bausparkasse Schwabisch Hall AG là từ đóng góp của người lao động thông qua hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với Bausparkasse Schwabisch Hall AG về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.

Dư nợ vay NƠXH đạt 336 tỷ đồng

Theo NHCSXH, thực hiện Chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, riêng năm 2018 kế hoạch vốn giải ngân là 1.000 tỷ đồng. Đến nay đã triển khai trong toàn quốc, có 55 chi nhánh cho vay với dư nợ 336 tỷ đồng, 1.287 khách hàng được vay vốn, bình quân dư nợ một người được vay 260 triệu đồng.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho hay, từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ giải ngân hết 700 tỷ đồng còn lại. “NHCSXH đi rất sát và tích cực để đưa chính sách này tới từng đối tượng. Nhiệm vụ thiết thực nhất là phải đúng đối tượng. Hiện nay điều kiện giải ngân thông thoáng hơn, thủ tục và thời gian cũng nhanh chóng hơn”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý nói.

Một nguyên nhân liên quan đến tiến độ giải ngân vốn vay chương trình này, đó là về phía người vay. Theo đó, nhiều người có nhu cầu nhưng không đáp ứng được điều kiện được ngân hàng để vay vốn được như đất một nơi, hộ khẩu một nơi, hoặc đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất xây dựng không theo quy hoạch…

Ông Nguyễn Văn Lý khẳng định: “Chúng tôi xác định rằng, vốn của Chính phủ để bảo đảm an sinh xã hội song cũng phải chấp hành quy tắc về pháp luật nhà ở, đất đai, xây dựng. Hơn nữa, đây là chương trình dài hạn, tạo sự tin tưởng cho người dân, khác với gói hỗ trợ cho vay trước đây nên nhiều đối tượng cũng cân nhắc hơn”. 

 Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Ðến năm 2020, cần xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị và công nhân khu công nghiệp.

MỚI - NÓNG