Cho rồi có quyền đòi lại?

Cho rồi có quyền đòi lại?
TP - Theo anh Trần Giang Nam (xã Kỳ Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi bố anh còn sống, do thấy anh trai khó khăn, ông Trần Quang Hải (chú ruột anh Nam) đã cho bố anh mảnh đất 221m2.

> Nguyên Phó chánh văn phòng làm giả hàng chục sổ đỏ
> Quy định chặt việc thu hồi đất

Năm 1993, anh Nam cùng vợ con chuyển về sinh sống trên mảnh đất ông chú cho. Năm 1995, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho anh Nam. Kể từ đó, đã 20 năm, anh Nam sinh sống hợp pháp và thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ với Nhà nước trên mảnh đất này.

Mới đây, khi anh Nam đang đi lao động nước ngoài, ông Trần Quang Hải (chú ruột anh Nam) đã nộp đơn khởi kiện đòi lại mảnh đất đã cho. TAND huyện Kỳ Anh đã xét xử sơ thẩm, tuyên hủy sổ đỏ mang tên anh Nam, buộc anh Nam trả lại đất cho ông Hải.

Trong đơn gửi báo Tiền Phong, anh Nam cho rằng TAND huyện Kỳ Anh đưa ra phán quyết không công bằng, xâm hại quyền lợi hợp pháp của anh. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu cho biết, từ khi anh Nam được cấp sổ đỏ đến nay, gia đình anh Nam thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với địa phương, không hề xảy ra tranh chấp với ai. “Thời điểm năm 1995, anh Nam được cấp sổ đỏ, ông Hải (nhà cùng thôn với anh Nam) biết và không có tranh chấp gì suốt 20 năm qua. Việc ông Hải cho bố anh Nam đất nhiều người trong thôn cũng biết”, ông Nhất nói.

Qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, khi ông Hải cho bố anh Nam đất (ông Trần Quang Voọng), có sự chứng kiến của mẹ anh Nam là bà Lê Thị Lê, và một người chú khác trong họ. “Việc ông Hải đến nhà nói cho đất, tôi, chồng và em chồng chứng kiến. Nếu chồng tôi còn sống, chắc chắn ông Hải không đòi lại đất như vậy”, bà Lê nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, thẩm phán Hoàng Ngọc Tùng, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết, căn cứ để xử ông Hải thắng kiện là vì trước thời điểm anh Nam được cấp sổ đỏ, ông Hải đã sinh sống trên mảnh đất này. Ông Tùng cho biết “đã điều tra kỹ càng”, có căn cứ xác định trước thời điểm năm 1993, ông Hải là người mua lại mảnh đất từ bà Quý.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc mua bán giữa bà Quý và ông Hải cũng chỉ bằng miệng. “Trước đây, ông Hải và bà Quý mua bán đất bằng lời nói, không tuân thủ quy định về hình thức của giao dịch”, bản án của TAND huyện Kỳ Anh thừa nhận.

Nhiều người theo dõi vụ án này đặt câu hỏi: Tại sao TAND huyện Kỳ Anh công nhận việc mua bán bằng miệng giữa bà Quý và ông Hải, nhưng lại không công nhận việc cho tặng giữa ông Hải và bố anh Nam? Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nếu Tòa án xác định hợp đồng cho tặng (miệng) giữa ông Hải và bố của anh Nam là có thật, cần yêu cầu đôi bên hợp pháp hóa giao dịch này, thay vì phủ nhận nó để dẫn đến thiệt hại quyền lợi hợp pháp của anh Nam và tạo ra một tiền lệ xấu về việc đã cho tài sản rồi vẫn có quyền đòi lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG