Cho phép đặt cược thể thao để có nguồn thu hợp pháp?

Chính phủ mới ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế
Chính phủ mới ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế
TPO - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, trên thực tế, không cho phép thì đặt cược vẫn diễn ra nên cần luật hóa để có nguồn thu hợp pháp.

Chiều 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao.

Được đặt cược nhưng phải đảm bảo an ninh, trật tự?

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao. Sau đó, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06 năm 2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế nên cần có thời gian tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật.

Về việc này, cơ quan thẩm tra đề nghị, cơ quan trình dự án Luật cần có báo cáo đánh giá tác động chi tiết, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị phân tích đánh giá tác động rõ hơn việc đặt cược thể thao, vì đây là hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, nhưng thế giới đã có từ lâu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trên thực tế, không cho phép thì đặt cược vẫn diễn ra nên cần luật hóa để có nguồn thu hợp pháp. Đồng thời, nên có nhưng phải phân tích kỹ hơn, thuyết phục hơn để đưa vào luật.

Nguyên tắc là được phép đặt cược, nhưng phải đảm bảo an ninh, trật tự, dùng nguồn thu để đầu tư phát triển thể dục thể thao, theo trình tự chặt chẽ. Được đặt cược môn gì thì Chính phủ quyết định và có thể phải xin phép cấp trên.

Không "vắt chanh bỏ vỏ"

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện, hiện có một số ít vận động viên trong quá trình tập luyện và thi đấu không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết. Tuy nhiên, bản thân và gia đình họ chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Trên cơ sở đó, dự thảo luật cần có quy định các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn cho vận động viên. Đối với những người giành huy chương của khu vực và quốc tế thì nên có chính sách ưu tiên đặc biệt để động viên như chế độ lương, nhà ở, nghỉ chế độ để họ yên tâm thi đấu. Thậm chí, có chính sách trợ cấp suốt đời với vận động viên bị tai nạn.

Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cũng đề nghị, dự án luật phải có quy định để tránh bỏ sót nhân tài và xóa bỏ tư tưởng "vắt chanh bỏ vỏ".

MỚI - NÓNG