Chờ chồng ngoại tình như nắng hạn chờ mưa

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mẹ tôi chưa đến 50 đã trông già hơn tuổi đến cả một giáp. Nhìn mẹ gầy guộc, khuôn mặt nhăn nheo, xương xẩu bên cạnh bố tôi béo tốt, tôi thầm trách móc bố, trách cả mẹ.

Mẹ tôi là điển hình mẫu phụ nữ chịu thương, chịu khó, hi sinh tất cả vì chồng con. Nhưng tôi chưa từng thấy biết ơn mẹ vì điều đó, tôi luôn ước mẹ biết sống vì chính mình. Nếu mẹ yêu quý, chăm sóc cho bản thân hơn, tôi đã không lo sốt vó mỗi lần trái gió trở trời, mẹ đau khớp đến nỗi đi không nổi, mỗi khi căng thẳng, mẹ đau dạ dày, cơm nuốt cũng không trôi. Nếu mẹ biết mưu cầu hạnh phúc cho bản thân hơn, tôi đã không là đứa con u buồn, buồn cho nỗi đau của mẹ, buồn cho cảnh nhà không hạnh phúc.

Cưới nhau hơn một năm, bố làm công trình, đi suốt tháng, suốt ngày, mình mẹ ở nhà xoay xở tự đi đẻ. Bà ngoại kể cả một tuần lễ trước ngày tôi ra đời, đêm nào mẹ cũng ngủ thấp thỏm hoặc thức trắng, vừa mong ngóng bố về, vừa sợ nửa đêm bất thình lình trở dạ không có ai đưa đi bệnh viện vì ông bà nội ngoại đều già yếu, anh chị em ở xa, gọi hàng xóm thì sợ phiền. Mẹ đợi mãi, bố không về. Cuối cùng tôi ra đời trong một đêm hè oi bức, may có bạn thân của mẹ đến giúp. Mẹ đã khóc rất nhiều trong đêm trở dạ đó, khóc vì đau, vì nỗi hoang mang của người mẹ sinh con so, vì tủi thân khi không có chồng bên cạnh.

Bố tôi ngoại tình từ thuở tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ biết điều đó nhưng vẫn kiên nhẫn đợi chờ, đợi chồng về nhìn mặt con. Tôi sinh được 10 ngày, bố mới về nhà. Những món quà từ nơi xa mang về, những lời thú tội, xin lỗi, thề thốt không hàn gắn nổi vết thương trong lòng mẹ. Nhưng đối với mẹ, tôi là tất cả. Vì tôi, mẹ sẵn sàng yêu thương, tha thứ cho bố để tôi có một mái ấm đầy đủ.

Những chuyến công tác của bố vẫn kéo dài, có khi vài ba tháng, có khi cả nửa năm. Mẹ mòn mỏi đợi chờ những đợt bố nghỉ phép về nhà. Tôi lớn lên, quen với sự vắng mặt của bố nên những chuyến bố ra đi rồi trở về không để lại quá nhiều cảm xúc trong tôi. Nhưng với mẹ tôi thì khác, tôi thấy khuôn mặt mẹ bần thần hôm kỷ niệm ngày cưới, bố không về cũng chẳng buồn nhớ để gọi điện, tôi thấy mẹ thất thểu dắt tôi trở vào nhà sau khi hai mẹ con đứng ngóng mãi đầu con phố đợi bố về như đã hẹn, đến tối sẩm bố mới gọi điện báo có việc đột xuất không về nữa.

Mẹ như nắng hạn lầm lũi chờ cơn mưa. Tôi không hiểu nổi mẹ lấy đâu ra động lực để đợi chờ bởi đến niềm tin mẹ còn không có để bấu víu. Mẹ thừa hiểu bố tôi có những người phụ nữ khác ở bên ngoài. Mấy năm gần đây bố được chuyển công tác về gần nhà, mẹ chưa kịp mừng đã vội đau đớn khi phát hiện ông ta đang cặp với một cô bồ nhí ngay trong thành phố.

Mẹ can ngăn nhưng bố vẫn một mực làm theo ý mình. Mẹ giờ như đóa hoa tàn úa, hơn nửa đời đợi chờ, tha thứ cho kẻ phụ bạc. Tôi hết khuyên nhủ lại thúc giục mẹ li dị, nhưng mẹ không nghe. Mẹ giờ hết yêu thương người đàn ông đã coi thường, lừa dối, đã khiến mẹ sống phí hoài tuổi trẻ nhưng mẹ không bỏ vì lo tôi sau này đi lấy chồng thấy xấu hổ vì cha mẹ ly hôn, lo ra tòa sẽ không giữ được căn nhà và những tài sản chung cho tôi.

Tôi xót thương đời mẹ bất hạnh gặp cơn nắng hạn, mà mẹ không biết tự góp gió, gom mưa để tắm mát đời mình. Đêm nằm ngủ tôi ôm đôi bàn tay nhăn nheo của mẹ áp lên má mình thì thầm nói “con không muốn mẹ hi sinh vì con, con chỉ muốn mẹ vì con mà sống hạnh phúc”. Mẹ mỉm cười, mà nước mắt chảy vòng quanh.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG