Chớ cho trẻ dưới 9 tuổi ăn trứng vịt lộn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đó là lời khuyên của bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trứng vịt lộn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, trứng vịt lộn còn được nhiều mẹ lựa chọn cho con ăn vào các buổi sáng hay các bữa ăn xế chiều.

Nhắc về vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Thanh (Q.9, TP.Hồ Chí Minh) vui vẻ: “Nhà chồng tôi dưới quê có cả một trang trại nuôi và ấp vịt nên hàng tuần, ông bà đều gửi trứng lên cho cháu ăn. Được cái, cu Tít nhà tôi (3 tuổi) cũng rất thích ăn món này. Mỗi chiều đón cháu về, tôi đều luộc cho cu cậu 1 quả, có khi 2 quả để ăn. Buổi sáng nếu không kịp chuẩn bị đồ ăn, tôi cũng luộc trứng cho cháu. Nhìn thằng bé ăn ngon lành mà tôi cũng thấy sướng”.

Không chỉ có chị Thanh mà rất nhiều bà mẹ khác vẫn tin rằng trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng cho trẻ và nếu bé càng ăn được nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, theo bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trứng vịt lộn rất tốt, song trẻ con nếu ăn nhiều sẽ bị đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, với những trẻ dưới 9 tuổi, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên rất khó hấp thu được tất cả các chất dinh dưỡng có trong đó.

Ước tính, trong 100g trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng, 13,6g chất đạm, 12,4g chất béo, 600mg cholesterol, 82mg canxi, 212mg phospho, 3mg sắt, 450mcg beta-caroten, 875mcg vitamin A...

Theo bác sĩ Hải, trẻ con tốt nhất là ăn trứng gà ta luộc hoặc đánh vào cháo. Trứng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, vì thế trước kia dinh dưỡng chia làm 4 nhóm thực phẩm nay tách thành 8 nhóm.

Riêng nhóm chất đạm tách sữa, đậu đỗ và trứng ra thành 3 nhóm. "Trước đây trứng, sữa cùng xếp vào trong nhóm chất đạm , có thể hiểu trẻ không ăn trứng, không uống sữa thì ăn nhiều thịt cũng được. Nay nhóm trứng tách riêng nên là thành phần không thể thiếu", bác sĩ Hải nói.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG