Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, nhiều chính sách điện ảnh không theo kịp, nhất là trong lĩnh vực phát hành phổ biến phim tại các rạp nhà nước và các trung tâm ở địa phương. Cả nước có khoảng 145 rạp và cụm rạp tập trung ở TPHCM và Hà Nội, còn phần lớn địa phương vẫn không có rạp chiếu. Con đường đưa điện ảnh đến với người dân chủ yếu thông qua chiếu bóng lưu động, số này ngày càng giảm, cùng với sự lạc hậu của công nghệ và sức ép cạnh tranh với các loại hình giải trí khác.
Đại diện một số tỉnh than gặp khó vì có quỹ đất cho xây rạp nhưng không có tiền nên bị thu hồi, nên chăng bỏ quy định này trong Luật Điện ảnh. Trong hội nghị về phát hành phổ biến phim hồi giữa năm, các nhà quản lý đem vấn đề này ra mổ xẻ. “Cơ chế thị trường hiện nay khiến không thể cứ trông chờ nhà nước cấp kinh phí xây rạp”, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh phản hồi góp ý của nhiều địa phương. Không chỉ vấn đề xây rạp, ngay các cơ chế liên ngành để phát triển điện ảnh cũng đòi hỏi sự chủ động của mỗi địa phương. Đương nhiên với các tỉnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, Bộ VHTTDL tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù để trình Chính phủ phê duyệt.
“Bắc Ninh có khu công nghiệp lớn, dân số ít, phải chủ động chứ không nên để giống như ở vùng sâu vùng xa”, bà Lan nói. Trong khi đó, Sơn La là một trong những địa phương khá tích cực trong các hoạt động điện ảnh của địa phương. Ông Trần Tân Phong, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh cho biết, 10 năm qua Sơn La cấp khoảng 71 tỷ đồng cho điện ảnh. Trong khi nhiều địa phương có xu hướng sáp nhập điện ảnh vào các thiết chế văn hoá khác, Sơn La thành công khi tiếp tục đưa trung tâm phát hành phổ biến phim là đơn vị sự nghiệp, tiến tới có cụm rạp đầu tiên bằng ngân sách của tỉnh vào năm 2020, và 30% huyện có rạp chiếu phim vào 2025.
Trong khi Quỹ hỗ trợ Điện ảnh vẫn vướng mắc vì chưa tìm được nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động, thông tư về phim đặt hàng cũng chưa xong, các nhà làm điện ảnh khá lạc quan trước thực tế sản xuất phim thời gian qua. Lãnh đạo Cục khẳng định đảm bảo 30% số buổi chiếu phim rạp mỗi năm, từ 2014 đến tháng 11/2016 có khoảng hơn 100 phim truyện Việt Nam sản xuất và ra rạp.
Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch hội đồng trung ương thẩm định phim nhắc đến sự quá tải khi duyệt phim thời gian qua. Hai năm qua hội đồng thẩm định 678 phim truyện, thường xuyên quá tải dẫn đến dồn ứ phim. Năm 2016 hội đồng không cấp phép phổ biến hơn 20 phim do không phù hợp thẩm mỹ. Thời gian tới, Cục Điện ảnh tập trung hoàn thiện quy chế sửa đổi bổ sung về thẩm định, cấp phép và phân loại phim theo độ tuổi- tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt.
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL khẳng định Luật Điện ảnh phải chỉnh sửa nhiều, vì chồng lấn khoảng 20 luật khác, kể cả vênh với Hiến pháp 2013. Ông nhấn mạnh, Luật Điện ảnh tiến tới chỉ quy định những điều đặc thù, đúng luật và phù hợp với các cam kết quốc tế khác.