Chợ bế heo 'độc nhất' xứ Quảng

Chợ heo Bà Rén
Chợ heo Bà Rén
TP - Ngôi chợ chỉ bán độc mặt hàng duy nhất là heo, với cảnh những người bế… heo đứng trên bàn cân đến nay đã tồn tại gần nửa thế kỷ. Ở đó có những người đã gắn bó gần trọn cuộc đời mình trong cuộc mưu sinh.

Ai về bà Rén ghé chợ heo

 Chợ heo Bà Rén nằm bên sông Bà Rén, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Đây được xem là chợ đầu mối heo lớn nhất nhì cả nước. Chợ họp vào sáng sớm, thương lái khắp nơi đổ về. Kẻ mua, người bán, xen lẫn tiếng heo kêu nhộn cả khu xóm đầu ngày. Nét đặc trưng này của vùng quê xứ Quảng, dân gian vẫn truyền nhau câu ca: Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/Heo ré người xung vung bao chuyện/Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo...

Trong câu chuyện của người xưa kể lại, chợ có từ những năm 1970. Cũng như những ngôi chợ khác, chợ Bà Rén là nơi tập trung bán mua các mặt hàng, trong đó người ta dành một khoảnh đất trống cho những người bán – mua heo. Sau đó, nhu cầu buôn bán mặt hàng này tăng lên, dần tách hẳn khu chợ riêng gọi là chợ heo Bà Rén. Chợ chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất đó là heo. 

Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Cư cho hay, mỗi ngày tại chợ có khoảng 2.000 con heo từ các vùng lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn...sau đó được các tiểu thương đem đi tiêu thụ hoặc bán trực tiếp cho các lái buôn. Heo đến chợ Bà Rén được các tay buôn mua lại rồi chở đi khắp các tỉnh trong cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, các tỉnh miền Tây..., có khi heo theo các lái buôn sang tận nước bạn Lào, Campuchia. Heo tại chợ Bà Rén được quản lý chặt, ít dịch bệnh nên rất được các thương lái tin tưởng. 

Anh Tiến - một thương lái nhiều năm mua heo tại chợ cho hay, hầu như phiên chợ nào anh cũng có mặt để lựa mua heo về bán lại cho bạn hàng tỉnh thành khác. “Heo ở đây phần đa khỏe mạnh, không bị dịch bệnh nên an tâm trong bán buôn, tạo được uy tín với bạn hàng” – anh chia sẻ. 

Biệt đội bế heo thuê

 Nếu chợ heo được gọi là chợ “hàng độc” thì tại đây cũng tồn tại một nghề khá độc, lạ đó là nghề bế heo thuê. Cách để tính trọng lượng của heo ở đây rất đặc biệt. Người ta bế từng chú heo đứng lên cân sau đó trừ đi số cân người bế để biết số cân của heo! Ngoài ra, những người được thuê bế heo có nhiệm vụ chuyển heo từ giỏ lên xe hoặc ngược lại. Mỗi lần bồng heo được trả 500 đồng. Ở chợ có khoảng 10 phụ nữ hành nghề bế heo. Họ thường là những người đến sớm nhất và ra về khi chợ vãn hẳn.

Nhà cách chợ hơn 2 cây số nên từ 5 giờ sáng chị Trần Thị Thảo (55 tuổi, ở thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1) đã đạp xe ra chợ. Trong cái lạnh chớm đông, bàn tay nhỏ gầy thoăn thoắt dọn lồng heo, rải rơm khô chuẩn bị cho phiên chợ. Cái nghề nhọc nhằn nhưng thu nhập thì chỉ là những đồng tiền lẻ. Ngoài bế heo, chị cho thuê ghế ngồi, giỏ heo, bốc rải rơm để kiếm thêm thu nhập. “Tiền bế heo thì 500 đồng/ con, thuê ghế thì 2 ngàn, lồng heo thì 5 ngàn cho mỗi buổi chợ. Mỗi thứ mỗi tí rồi gom góp lại cũng đủ sống” – chị bộc bạch.

Những cụ già có thâm niên trong nghề kể rằng, họ bắt đầu làm công việc này cách đây 30 năm. Khi lượng người đến bán – mua tại chợ ngày càng đông, số lượng heo được giao dịch tại chợ cũng theo đó tăng lên thì người ta không còn đủ sức để tự mình đưa những chú heo từ giỏ lên xe. Nghề bế heo thuê từ đó ra đời. Cụ bà Lưu Thị Liên (78 tuổi), tên thường gọi là bà Chín Quýt - một trong những người đầu tiên “hành nghề” bế heo, nói “làm được nghề này trước hết phải có sức khỏe, chịu khó, chịu hôi bôi bẩn. Cả buổi ôm heo vào người nên phân heo, nước tiểu cũng bôi bết lên áo quần, thậm chí vấy lên cả tóc. Không ít người mới vào nghề phải đóng học phí bằng những lần sẩy tay khiến heo tháo chạy cuối cùng phải đền tiền. Cũng có những tai nạn nghề nghiệp như trượt chân, gãy tay nên phải bỏ nghề”.

Cụ Lưu có ngót 30 năm bế heo thuê tại chợ. Khi còn làm nghề, cụ nổi tiếng là người “giỏi tay nghề” nhất chợ. Chồng mất từ năm 32 tuổi, một tay cụ nuôi 3 người con cũng nhờ nghề bế heo. Nay không còn đủ sức bồng cả con heo, cụ ra chợ đỡ heo, bán rơm đổi đắp lon gạo và cũng là để được gặp những hình ảnh thân quen gắn bó cả quãng đời mình.

Chị Thảo vốn là người Bắc vào đây lập nghiệp. Chồng mất sớm, một nách 3 người con. Giữa chốn đất khách quê người, chính bà cụ Lưu là người bao bọc, truyền nghề bế heo để chị mưu sinh. Trời càng sáng chợ càng đông, đôi chân chị Thảo thoăn thoắt không ngưng nghỉ. Nhác thấy bạn hàng vừa trờ xe đến, nhanh như cắt chị chạy đến giúp dựng xe, bồng từng chú heo trên xe đến những chiếc giỏ đã được rải rơm khô trước đó. Bàn tay nhỏ dứt khoát nắm một chân chú heo, tay kia vòng qua lưng rồi ôm gọn chú heo vào người. Chốc lát những chú heo xúm xít trong rọ ngoan ngoãn trong giỏ mới.

Cân nặng chỉ vẻn vẹn 43 kg nhưng chị Thảo có khi bồng những con heo nặng đến 20kg. Tính cả phiên chợ chị bồng khoảng gần 100 con heo, cộng cả tiền cho thuê ghế, giỏ được hơn 70 ngàn đồng. Chị nói thu nhập như ngày hôm nay là cao rồi. Với số tiền này chị dành 20 ngàn đồng đi chợ, số còn lại chia ra nhiều khoản nào tiền điện nước, tiền gạo hàng tháng rồi tiết kiệm nhỡ ngày đau ốm. 

Tôi nhẩm tính chỉ trong 15 phút chị Thảo bồng hơn hai chục con heo lớn nhỏ. “Mệt lắm chứ nhưng riết rồi cũng quen. Nghề này không nhanh, không khỏe thì không trụ được”, Chị chia sẻ .

Chợ bế heo 'độc nhất' xứ Quảng ảnh 1 Chị Trần Thị Thảo hơn 25 năm mưu sinh bằng nghề bồng heo thuê ở chợ
Chợ bế heo 'độc nhất' xứ Quảng ảnh 2 Bồng heo thuê - nghề độc lạ ở chợ heo Bà Rén
MỚI - NÓNG