Từ trái qua: Các nhà khoa học Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov. (Ảnh: Ủy ban Nobel) |
Giải thưởng được trao cho Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov, Ủy ban giải Nobel Hóa học tại Stockholm công bố ngày 4/10.
“Trong một thời gian dài, không ai nghĩ rằng bạn có thể tạo ra những hạt nhỏ như vậy. Nhưng những người đoạt giải năm nay đã làm được”, ông Johan Aqvist, chủ tịch Ủy ban, cho biết.
Trong những năm 1980, Ekimov tạo ra hiệu ứng lượng tử tùy thuộc vào kích thước trong thủy tinh màu. Màu sắc đến từ các hạt nano clorua đồng và Ekimov đã chứng minh rằng kích thước hạt ảnh hưởng đến màu sắc của thủy tinh thông qua hiệu ứng lượng tử.
Vài năm sau, Brus trở thành nhà khoa học đầu tiên chứng minh được hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước của các hạt trôi nổi tự do trong chất lỏng.
Năm 1993, Bawendi thay đổi quy trình hóa học tạo ra các chấm lượng tử, tạo nên thứ mà Ủy ban giải thưởng gọi là “những hạt gần như hoàn hảo”, giúp đưa chấm lượng tử vào nhiều ứng dụng.
Vài giờ trước khi có thông báo chính thức, Ủy ban Nobel đã vô tình công bố tên của 3 nhà khoa học. Tờ báo Thụy Điển Aftonbladet đã đăng bản sao của một email mà họ nói là từ viện.
Bawendi là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts; Brus là giáo sư danh dự tại ĐH Columbia, cả hai đều là người Mỹ. Ekimov là người Nga và làm việc cho hãng Nanocrystals Technology Inc.