Chính sách giảm nghèo đang 'đơn thương độc mã'?

Ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Thành
Ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Đó là một trong những ý kiến nhận định của ĐBQH khi đề cập đến chính sách giảm nghèo hiện nay tại phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội lần thứ 11.

Từ 9 đến ngày 11/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban các vấn đề xã hội (Quốc hội) nhóm họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra dự án luật, các báo cáo của Chính phủ, của các bộ ngành thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách  để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Tỉnh giàu nhờ “khéo” nên xin được vốn

Trong phiên làm việc đầu tiên của kỳ họp, các ĐBQH đã tập trung cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm (2017 -2018) thực hiện Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ ước dưới 6% , trong đó tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Đến nay đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo diện 30a, 14 huyện hưởng cơ chế 30A thoát khỏi tình trạng khó khăn, có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình...

Chính sách giảm nghèo đang 'đơn thương độc mã'? ảnh 1 Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Nguyễn Thành

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, vùng núi chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chính sách giảm nghèo đã tịch hợp nhưng còn dàn trải. Việc giải quyết đất ở , đất sản xuất cho đồng bào thiểu số còn thấp. Tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm, tình trạng di dân tự do vẫn diễn ra...

Theo Bộ trưởng Dung, thông qua thanh tra, kiểm tra, phản ánh của báo chí và nhân dân Trung ương đã xử lý 9 vụ. Trục lợi chính sách còn nhưng mức độ vi phạm giảm ít đi rất nhiều so với giai đoạn bình xét hộ nghèo. Hiện nay bình xét theo tiêu chí, việc trục lợi còn dưới dạng: một số cán bộ thôn xã tranh thủ, đưa người thân quen vào để hưởng và sử dung tiền người nghèo sai mục đích.

Ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ và Chính phủ phải trả lời rõ trong 2 năm qua tổng số vốn đầu tư cho sự nghiệp giảm nghèo là bao nhiêu? Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công cuộc giảm nghèo theo ông Thắng là quá khó. Chính phủ, bộ ngành cần nói rõ, trong 2 năm qua đã có bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cần có khảo sát và đánh giá để đưa ra các chính sách cụ thể trong thu hút đầu tư.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện nay việc giảm nghèo đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước, chưa cân đối và sử dụng các nguồn vốn khác như ODA, trái phiếu Chính phủ ... Có trường hợp tỉnh giàu nhờ khéo léo lại xin được vốn ODA, trái phiếu chính phủ trong khi tỉnh nghèo cần vốn lại không được cấp.

“Dường như chính sách giảm nghèo của chúng ta là chính sách đơn thương độc mã, thiếu sự hỗ trợ của các chính sách khác”, ông Nhưỡng phát biểu.

Quá nhiều ban chỉ đạo

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ chỉ rõ việc hiện nay một chính sách nhưng có quá nhiều ban chỉ đạo. Đã tích hợp chính sách nhưng ban chỉ đạo không hợp nhất dẫn đến chỉ đạo không đồng bộ. Có trường hợp đại biểu một ngành nhưng ngồi rất nhiều ban chỉ đạo.

Do đó, theo ông Xuân cần tính toán tích hợp ban chỉ đạo. Nhưng phải tính lại tiêu chí chung và tiêu chí riêng phù hợp với từng vùng, địa phương. Bởi, giảm nghèo mà giao tiêu chí chung như hiện nay thì một số vùng không làm được, không hoàn thành được. Nếu ép buộc hoàn thành, thì chất lượng giảm nghèo không đảm bảo, không bền vững. Hiện nay, có 190 chính sách cho đồng dân tộc miền núi, tuy nhiên cần tổng kết đánh giá rà soát bãi bỏ các chính sách không phù hợp và bổ sung các chính sách mới.

Giải trình nguyên nhân của việc phân bổ nguồn vốn chậm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết: do năm đầu thực hiện luật đầu tư công nên bộ ngành và địa phương lúng túng dẫn đến chậm triển khai. Ngoài ra, đa số công trình quy mô cấp xã nhỏ , trình tự thủ tục giải ngân diễn ra rất phức tạp…

Chính sách giảm nghèo đang 'đơn thương độc mã'? ảnh 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình một số ý kiến của đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam là điểm của việc hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ trong việc giảm nghèo. Vấn đề cơ bản hiện nay là xóa nghèo bền vững. Đây là cuộc chiến đấu quyết liệt nhưng phải xác định vị trí, không thể vung “đôi đũa thần” là thoát nghèo được ngay...

Việc tích hợp chính sác, ban chỉ đạo ông Dung cho hay: hoàn toàn có thể tích hợp thành 5 nhóm. Tuy nhiên tích hợp không có nghĩa là cộng hết các chính sách lại với nhau, phải đánh giá cụ thể từng chính sách tác động như thế nào. Ủy ban và ban chỉ đạo sẽ có phiên họp bàn chuyên về vấn đề này.

Thừa nhận nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo đang phân tán, 21 chương trình mạnh ai nấy làm chưa có sự công hưởng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: sẽ đề xuất Chính phủ xem xét đánh giá để tổng hỏa 21 chương trình này cho hiệu quả.  
MỚI - NÓNG