Chinh phục đỉnh cao, khát khao cống hiến

Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (bên trái) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Ảnh: NVCC
Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (bên trái) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Ảnh: NVCC
TP - Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I diễn ra tại Ðà Nẵng sẽ quy tụ gần 200 trí thức trẻ người Việt trong và ngoài nước hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có chung một niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chinh phục những đỉnh cao, khao khát cống hiến.

Bài 1: Nữ tiến sĩ “vì sao”

Trong đầu luôn thường trực câu hỏi “vì sao...”, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Trang, giảng viên Ðại học Y Hà Nội đã có nhiều giải pháp thành công cho các công trình nghiên cứu ở lĩnh vực di truyền và hoá sinh y học, thắp sáng hy vọng cho người bệnh.

Ý tưởng ngẫu nhiên

Phương châm sống và làm việc của nữ tiến sĩ ĐH Y Hà Nội: “Nghĩ đơn giản, sống đơn thuần, đừng phức tạp vấn đề. Trong nghiên cứu khoa học cũng thế, ý tưởng đều xuất phát ngẫu nhiên và từ những điều bình dị nhất”.

Ý tưởng cải tiến bộ xét nghiệm Halosperm của chị là một ví dụ. Để sản xuất bộ kit tự pha chế xác định mức độ đứt gãy ADN tinh trùng, chị đã thay thế thuốc nhuộm wright bằng giemsa. Ý tưởng thay thế thuốc nhuộm của chị chỉ đơn giản là khi nhập bộ kit Halosperm từ Tây Ban Nha về, công ty phân phối“quên” nhập thuốc nhuộm. “Loại thuốc nhuộm wright đi kèm có giá cao lại khó mua ở trong nước.Tôi nghĩ đều là thuốc nhuộm nhân tế bào, nhuộm ADN vì sao không thử loại thuốc nhuộm nhân giemsa mình đang có.Tôi quyết định thử và thành công”, chị Trang chia sẻ.

Những câu hỏi: “Vì sao phải phức tạp rửa khay liên tục và canh thời gian trong bước cồn?”; “Vì sao không sử dụng ít dung dịch ly giải đắt tiền hơn?”... đã thôi thúc chị Trang thử nghiệm, tìm tòi và thành công rút từ ba bước cồn 70, 90, 100 độ xuống còn một bước cồn 100 độ. 10ml dung dịch ly giải theo yêu cầu giảm 1/2 giúp giảm giá thành còn 1/2 mà vẫn đạt kết quả phá vỡ màng tế bào và màng nhân. “Tham vọng của tôi là đưa xét nghiệm đánh giá mức độ đứt gãy ADN tinh trùng vào sàng lọc cộng đồng. Muốn vậy phải giảm tối đa giá thành của bộ xét nghiệm, tôi tiếp tục nghiên cứu bộ kit tự pha chế cho quy trình xét nghiệm này”, chị Trang nói.

Với cải tiến bộ xét nghiệm Halosperm và việc tự pha chế để xác định mức độ đứt gãy ADN tinh trùng của chị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2018. Khi được đưa vào sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước ở quy mô công nghiệp đã góp phần ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới.Giải pháp cải tiến của chị Trang được đánh giá đã đơn giản hoá quy trình, giảm tính độc hại của bộ xét nghiệm đang bán trên thị trường; tăng thời gian bảo quản, sử dụng và hạ giá thành sản phẩm, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh so với các sản phẩm nhập ngoại. “Giải pháp cải tiến đã góp phần giảm giá thành xuống hai lần, nếu tự pha sẽ giảm tới bốn lần. Sản phẩm đã giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận”, chị Trang cho biết.

Nữ tiến sĩ ĐH Y Hà Nội còn hiện thực hoá ý tưởng cải tiến quy trình tách ADN của bộ xét nghiệm DNA-expess trong chẩn đoán hội chứng tự kỷ.Giải pháp đã giúp việc xét nghiệm không cần đến 600ul máu - giải toả áp lực lấy máu vốn rất khó ở trẻ tự kỷ. Chị và đồng nghiệp còn phát hiện 100 đột biến liên quan đến khiếm thính bẩm sinh giúp xác định bệnh và đưa ra phương pháp điều trị giúp trẻ có khả năng nghe nói, hoà nhập cộng đồng; hạn chế các trường hợp “điếc oan” do sử dụng thuốc kháng sinh.

Hãy đến với khoa học một cách vô tư

TS. Nguyễn Thị Trang đam mê theo đuổi lĩnh vực di truyền - hoá sinh y học. Sau khi tốt nghiệp đại học và tiến sĩ, chị đã làm Postdoc hóa sinh y học tại Cộng hòa Liên bang Nga. Từ những ngày “dùi mài kinh sử” ở xứ sở Bạch Dương, chị Trang đã rinh nhiều giải thưởng: Giải sáng tạo toàn Nga; giải Nhất hội thảo Quốc tế về Y học, Di truyền và công nghệ sinh học lần thứ 2; giải thưởng đề tài nghiên cứu hay nhất toàn Nga về lĩnh vực cao huyết áp... Đến nay, chị sở hữu 68 bài báo và công bố trong nước, quốc tế; có 1 chương sách trên “Male infertility” - sách quốc tế và thuộc hệ thống trích dẫn ISI.

Không chỉ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chị còn hướng dẫn sinh viên, học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Năm 2018, hai nhóm sinh viên do chị Trang hướng dẫn, tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT tổ chức đạt giải Nhì và giải Ba toàn quốc. Không chỉ truyền thụ kiến thức, chị Trang còn truyền lửa đam mê sáng tạo tới nhiều bạn trẻ.

“Dù bạn làm gì, lĩnh vực nào, khoa học sẽ giúp bạn cập nhật kiến thức mới, thực tế hoá các ý tưởng của các bạn.Các bạn hãy đến với khoa học một cách vô tư cho dù có rào cản.Hãy tin rằng cơ hội luôn dành cho mọi người”, chị Trang chia sẻ.

(còn nữa)

Hiện TS. Nguyễn Thị Trang là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ về nghiên cứu phát triển bộ xét nghiệm định lượng Fructose và kẽm trong tinh dịch ứng dụng chẩn đoán vô sinh nam và đã được nghiệm thu. Ðề tài thành công sẽ đơn giản hoá và giảm giá thành gần 20 lần so với bộ xét nghiệm thông thường; cũng như tránh tình trạng “lọt sàng” những trường hợp không có tinh trùng.

MỚI - NÓNG