Chính phủ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính ba quận của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ trình đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ảnh minh họa
Chính phủ trình đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ảnh minh họa
TPO - Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án của Chính phủ và đề nghị ban hành Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính tại các khu vực có liên quan trên địa bàn ba quận ở thành phố Hà Nội.

Chiều 16/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra tờ trình và đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc thành phố Hà Nội.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tám tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và điều chỉnh 1 tổ dân phố (Tổ 28 - Tập thể Bệnh viện 19-8) thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).

Chính phủ cho biết, hiện theo bản đồ và hồ sơ địa giới hành chính 364, tám tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân (gồm các tổ 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31 và 32) tuy thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng toàn bộ cư dân thuộc tám tổ dân phố này đều đăng ký hộ khẩu thường trú và thực hiện mọi giao dịch hành chính, dân sự tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Việc quản lý dân cư không theo địa giới hành chính tại khu vực này bắt đầu từ năm 1982, sau đó có quyết định của UBND huyện Từ Liêm năm 1992 và UBND thành phố Hà Nội năm 2007 giao quận Cầu Giấy quản lý toàn diện đối với tám tổ dân phố này.

Tương tự, Tổ dân phố số 28 -Tập thể Bệnh viện 19-8 thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) nhưng dân cư của tổ dân phố này cũng do phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Quá trình này hình thành từ năm 1976 mà không có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đề án của Chính phủ, hai phường Nghĩa Tân, Mai Dịch của quận Cầu Giấy thực hiện quản lý dân cư tại các tổ dân phố nằm ngoài địa giới hành chính của đơn vị mình là không đúng quy định của pháp luật, chồng chéo về thẩm quyền trong quản lý cư trú, quản lý địa giới và an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến người dân trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.

Chính quyền thành phố Hà Nội đã nhận thức rõ vấn đề này và đã có chỉ đạo giải quyết theo hướng: Đối với các tổ dân phố đang được các quận, các phường quản lý ngoài địa giới hành chính phải thực hiện bàn giao để quản lý theo đúng địa giới hành chính và các quy định của pháp luật về quản lý dân cư.

Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ, hướng giải quyết nêu trên của thành phố Hà Nội không nhận được sự đồng thuận của người dân ở các địa phương này, do sợ bị ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống, thay đổi các loại giấy tờ, hộ khẩu nên có nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh vượt cấp.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù việc quản lý dân cư nằm ngoài địa giới hành chính trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm là chưa đúng với nguyên tắc về quản lý hành chính nhà nước, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý dân cư, quản lý đất đai… Tuy nhiên, đây là vấn đề do lịch sử để lại, đã kéo dài nhiều năm, cần có giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm.

Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là mong muốn, nguyện vọng của người dân và bảo đảm tính ổn định trong quản lý hành chính, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính tại các khu vực có liên quan để tránh ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống của nhân dân.

MỚI - NÓNG