Kỷ niệm 129 năm ngày sinh và 50 năm thực hiện di chúc của Bác

Chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: dangcongsan.vn
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: dangcongsan.vn
TP - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh: Trong bản Di chúc, Bác Hồ đã chiêm nghiệm từ chính sự nghiệp cách mạng của mình, đặt ra những vấn đề rất lớn về sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của đất nước…

Ông Phúc nói: Di chúc của Bác không phải là một bản di chúc thông thường mà là chiêm nghiệm từ chính sự nghiệp cách mạng của Bác, đồng thời cũng là vấn đề đặt ra của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của đất nước. Thành ra nội dung Bác đề cập trong Di chúc có tầm rất lớn tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, của Bác và đồng thời cũng đặt ra vấn đề lớn của đất nước. Di chúc có ý nghĩa tổng kết, đồng thời có ý nghĩa chỉ đạo phương hướng lâu dài cho đất nước, cho dân tộc, cho Đảng.

Chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Như ông nói, tầm nhìn của bản Di chúc của Bác vượt ra khỏi thời điểm ra đời, đến nay vẫn nóng tính thời sự?

Điểm cần chú ý là những điều Bác căn dặn trong Di chúc thì đến nay Đảng ta thực hiện rất thành công trên nhiều phương diện. Ví dụ Bác căn dặn, khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đi đến độc lập, thống nhất đất nước, Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc hoàn thành vào năm 1975. Khát vọng mà Bác nói là không có gì quý hơn độc lập tự do”, suốt đời  phấn đấu vì mục tiêu như vậy, thì sự hoàn thành nhiệm vụ đó có thể báo công với Bác.

Sau thắng lợi năm 1975, chúng ta lại tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi cho đến hiện nay vẫn kiên trì, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong Di chúc, Bác cũng chỉ đạo hướng đi của cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay, phải bảo vệ Tổ quốc cho tốt. Rồi nhiệm vụ xây dựng đất nước ngay sau chiến tranh chúng ta cũng đã thực hiện tốt. Đặc biệt, kể từ khi có đường lối Đổi mới năm 1986 đến nay, đất nước mình đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội…

Thưa ông, trong Di chúc, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Bác đặt vấn đề như thế nào?

Về vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong bản viết năm 1968, Bác viết là sau khi thống nhất đất nước, việc cần làm ngay là phải  chỉnh đốn Đảng. Trong bản viết năm 1969, Bác nói có 3 vấn đề trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một là, phải củng cố tốt khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hai là, phê bình và tự phê bình. Ba là, phải giữ gìn đạo đức người cán bộ, đảng viên. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chỉnh đốn Đảng rất tốt theo định hướng của Hội nghị T.Ư 4 khóa XI, XII. Cái này cũng có thể báo công thực hiện theo Di chúc của Bác. Tất nhiên, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cũng còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Phải hết sức cố gắng sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đó.

Bác cũng căn dặn về vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng kế cận. Tôi biết, trong một vài ngày tới T.Ư Đoàn sẽ tổ chức hội thảo về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo ý nguyện trong Di chúc của Bác. Tôi thấy đây là việc làm tích cực của T.Ư Đoàn, hiện thực hóa điều Bác dặn trong Di chúc. Đánh giá, nhìn lại 50 năm thực hiện theo Di chúc của Bác, để làm sao có đội ngũ đoàn viên, thanh niên, thế hệ kế cận “vừa hồng, vừa chuyên”, kế thừa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Di chúc của Bác trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay?

Di chúc của Bác có giá trị soi chiếu đến tận ngày nay. Di chúc của Bác đề cập tới nhiều vấn đề, về đổi mới, phát triển đất nước thế nào, về bồi dưỡng thế hệ sau như thế nào… Bây giờ là dịp nhìn lại để báo cáo với Bác là cái gì ta làm tốt, cái gì còn có hạn chế khuyết điểm để tiếp tục sửa chữa. Đó là ý nghĩa thực tiễn, hiện thực hóa những điều Bác căn dặn trong Di chúc. Chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chỉnh đốn Đảng đều là những vấn đề lớn mà Bác đã nói đến trong Di chúc.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề rất thời sự. Theo tôi, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất tốt, đúng hướng. Việc thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII là bài bản, đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có việc chống tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tất nhiên, chúng ta không được chủ quan, nhưng phải làm tốt hơn theo hướng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, là phải làm kiên trì, kiên quyết, làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt chứ không phải làm phong trào. Tôi tin là công  cuộc này sẽ giành được những thắng lợi lớn. Phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực. Có sự thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng, từ T.Ư đến cơ sở thì có thể làm được, hoặc ít nhất là hạn chế tối đa những tiêu cực mỗi khi chuẩn bị đại hội các cấp và ĐH Đảng toàn quốc.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề rất thời sự. Theo tôi, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất tốt, đúng hướng. Việc thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII là bài bản, đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có việc chống tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

MỚI - NÓNG