Chín bài thuốc thanh nhiệt, giải độc từ diếp cá
Diếp cá là loại cây rau quen thuộc, ưa thích trong nhân dân. Có nơi gọi cây này là giấp cá, tên thuốc là Ngư tinh thảo, tên khoa học là Houttuynia cordata Thumb, họ lá giấp Saururaceae. Cây thuộc loài cỏ nhỏ, mọc lâu năm, thích hợp với những nơi ẩm ướt, thường mọc hoang hoặc được trồng làm rau ăn ở khắp nơi trên đất nước ta, nhất là những vùng phía Nam.
Rau diếp cá giúp thanh nhiệt, giải độc. |
Diếp cá dùng tươi hoặc phơi khô để làm thuốc, thường thu hái vào mùa hè - thu. Bộ phận dùng là toàn cây rửa sạch, bỏ gốc, rễ. Thành phần hóa học theo các tài liệu cuả Trung Quốc: Ngư tinh thảo chứa tinh dầu, có quercetin, quercetrin, flavonoide, các chất kháng khuẩn dùng hiệu quả trong những trường hợp cơ thể đã quen thuốc kháng sinh (nhờn kháng sinh).
Theo Đông y diếp cá vị cay, chua, tính hàn; quy vào ba kinh, phế, đại trường, bàng quang.
Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu ung thũng, lợi niệu, thanh thấp nhiệt ở đại tràng, bàng quang, thanh can sáng mắt. Dùng điều trị các bệnh phế nhiệt, phế ung, phế có mủ, viêm khí quản, ho ra máu, sốt cao, viêm họng, các trường hợp tiết tả, thoát giang, viêm bàng quang, đau mắt đỏ, nhiều dử, mắt viêm nhiễm. Liều dùng 12-20g khô hoặc 20-40g tươi.
Một số bài thuốc có vị diếp cá.
Bài 1: Trị phế ung, phế có mủ (abcese phổi), nôn ra máu dùng diếp cá, thiên hoa phấn, trắc bách diệp lượng bằng nhau mỗi thứ 20g, sắc uống.
Bài 2: Trị viêm phổi, viêm phế quản, sốt cao: diếp cá 16g, hậu phác 12g, liên kiều 16g, tang chi 36 g. Sắc uống.
Bài 3: Trị bệnh tả lỵ dùng diếp cá 24g, sơn tra thán 8g, sắc lấy nước thêm chút đường để uống đến khi hết bệnh.
Bài 4: Trị các trường hợp trĩ sang: Diếp cá sắc lấy nước, hòa rượu uống, dùng bã xông rửa nếu có mủ sẽ nhanh vỡ, chưa có mủ thì tự tiêu dùng vài thang liền.
Bài 5: Trường hợp lòi dom, trĩ ngoại: diếp cá tươi giã nát đắp, kết hợp sắc lấy nước xông rửa vết đau.
Bài 6: Chữa mụn nhọt, sưng độc dùng diếp cá nghiền thành bột, hòa với mật ong đắp, nếu chưa có mủ thì tiêu, có mủ thì nhanh bài tiết mủ.
Bài 7: Trường hợp bàng quang thấp nhiệt dẫn đến bí tiểu, đái buốt, đái dắt dùng diếp cá, bông mã đề, bạch mao căn, râu ngô, mỗi thứ 12g.
Nếu sỏi ở niệu đạo dùng diếp cá 40g, xa tiền tử 20g, kim tiền thảo 40g, sắc uống.
Bài 8: Trường hợp viêm họng, sốt cao dùng diếp cá sắc đặc, ngậm một lúc rồi uống, ngày 2-3 lần.
Bài 9: Chữa đau mắt đỏ, viêm nhiễm nhiều dử, nhất là do vi khuẩn mủ xanh gây nên, dùng diếp cá tươi sắc uống trong, bã gói vào gạc sạch đắp bên ngoài sẽ nhanh khỏi.
Theo DS. Phạm Hinh
Sức khỏe & đời sống