Minh hoạ: Đỗ Đức. |
Những chú chim này gắn pin, chỉ cần đứng gần vỗ mạnh tay “bốp bốp”, lập tức chúng hót vang. Nhìn cũng đẹp mắt, nghe cũng vui tai. Hiện đại ra phết.
Sở dĩ nhốt chim nhựa vì không có tiền mua chim thật. Còn một lý do sâu xa hơn, nếu nhốt chim thật, tôi cũng không có thì giờ chăm sóc. Ăn uống thất thường, chúng sẽ chết dần chết mòn tội nghiệp.
*
Một hôm có ông khách gầy nhom, đen như củ súng, có lẽ là dân làm rẫy dãi nắng dầm mưa. Ông thích thú ngắm nghía bầy chim trong lồng một lúc, rồi ngạc nhiên hỏi:
“Chơi chim nhựa à? Ối trời, đã là chim nhựa, ông còn nhốt vào lồng làm chi?”.
“Đề phòng mèo vồ”. Tôi đáp.
Nghe thế, ông ta nín thinh, đầu gật gật. Đột ngột ông khách đứng dậy, tay xách chiếc ghế đi đến lồng chim. Ông ta đứng trên ghế, với tay kéo nắp lồng chim, cẩn thận gài kín lại:
“Ông quên đậy nắp lồng, mèo nó sẽ chun vào xơi sạch đó”.
“Cảm ơn”. Tôi nói.
“Không có chi. Như vậy mới thật sự an toàn”. Ông ta trả lời và trở lại bàn, tiếp tục uống cà phê.
Quả thật ông ta có đôi mắt quan sát rất kỹ và có hành động cụ thể. Mèo có thể tưởng lầm là chim thật mà chun vào. Và khi biết mình bị lừa, nó sẽ giận dữ cắn xé bầy chim nhựa yêu thích của tôi.
*
Lại một hôm, có ông khách nai nịt đàng hoàng, da dẻ trắng tinh, mang kính trắng, tay xách cặp. Có vẻ dân thầy chính cống. Ông cũng ngắm nghía bầy chim nhựa trong lồng sắt một chặp, rồi đĩnh đạc tuyên bố:
“Chỉ một chiếc lồng chim này đủ nói lên hùng hồn rằng, chủ quán là người đạo đức”. Ông giơ tay chào tôi thân thiện, nói tiếp giọng rành mạch: “Nhốt chim thật trong lồng là bỏ tù chúng. Ông đã từ chối làm cái việc đày đọa đó”. “Cảm ơn ông quá khen”.
“Không có chi”. Ông ta trả lời và tiếp tục uống cà phê, lại tiếp tục nói, giọng bày vẽ: “Ông hãy mở toang cái nắp lồng ra. Tuy biết là chim nhựa, nhưng ông vẫn cứ mở ra một lối thoát, để chúng còn cơ hội bay ra tự do. Như thế, đạo đức của ông càng tăng”.
Nghe vậy, tôi nín thinh. Thằng cha này cũng gớm nhỉ.
*
Một hôm có bà khách sồn sồn, cũng ngắm nhìn bọn chim rồi tấm tắc:
“Ông nuôi chim kiểu đời mới này hay đấy. Ít tốn kém. Sạch sẽ. Không ô nhiễm. Ồ, nhưng ông hãy đi mua ngay một trái mãng cầu và một nải chuối bằng nhựa treo vào lồng làm thực phẩm. Treo cái bát đựng nước nữa. Bọn nó cũng phải có đồ ăn, đồ uống của chúng nó chớ. Bỏ khô coi sao được”.
Tôi cười vui vẻ: “Bà chị có lý”.
Bà khách đúng là phụ nữ, lúc nào cũng lo toan cái ăn cái uống cho dù đó là bằng nhựa.
*
Lại một hôm, có ông khách to béo, đầu hói, cổ trâu, mắt ti hí. Ông nheo mắt nhìn lồng chim, tay gãi gãi vầng trán, nói:
“Anh nên mua con mèo bằng nhựa, cho nó đu bám bên ngoài lồng”.“Chi vậy?” “Để cho bọn chim nhựa hoảng sợ. Thường trực hoảng sợ. Như thế, sẽ ấn tượng hơn. Anh cứ nghe lời tôi đi”.
*
Đó là những khách có tính chất cá biệt, còn đại bộ phận khách khi thấy bọn chim nhựa, họ đến gần vỗ tay để nghe chúng hót vang lừng. Nghe xong, họ nhìn tôi mỉm cười ý nhị và tôi bao giờ cũng đáp lại bằng một nụ cười vừa phải.