Ngày 8/7, Facebook của N.V.V. (28 tuổi, thợ xăm tại Long An) trở thành tâm điểm chú ý trên mạng khi phát trực tiếp clip dài hai tiếng với dòng chú thích: "Thanh niên chia tay người yêu quyết định xăm kín mặt, mặc cho lời khuyên ngăn".
Chỉ sau vài giờ đăng tải, đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 254.000 lượt xem, cùng hàng nghìn bình luận lên án gay gắt.
Sau nhiều ngày chịu áp lực, chỉ trích từ cộng đồng mạng và đồng nghiệp, tối 14/7, N.V.V. lên tiếng xin lỗi, đồng thời thừa nhận do đùa vui, đã quay clip livestream xăm giả cho một học trò dẫn đến hiểu lầm.
Nam thợ xăm rất hối hận khi việc làm của mình khiến dư luận có cái nhìn ác cảm hơn về những người làm nghề này.
Sống ảo, mất thật
N.V.V chia sẻ với PV khi công khai sự thật, anh không sợ công việc của mình bị ảnh hưởng. Một lần nữa, anh khẳng định bản thân làm vậy không phải để nổi tiếng hay "câu like". Thứ anh mất trong thời gian vừa qua còn nhiều hơn những lượt like, share trên mạng xã hội.
Nam thợ xăm quyết định không xoá clip livestream xăm giả để những ai xem sẽ không có hành động tương tự. Anh sẵn sàng chịu tai tiếng nhằm đổi lấy sự nhận thức đúng đắn của các bạn trẻ.
Sau lời công khai xin lỗi của nam thợ xăm ở Long An, nhiều người phản đối và ngày càng mất niềm tin vào những nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, dân mạng chẳng buồn quan tâm đến sự "hy sinh" của N.V.V. Phần lớn mọi người hiện phản ứng như "Biết ngay là câu like", "Lại sống ảo à?", "Thêm trường hợp thích nổi tiếng bằng tai tiếng"...
Bấy nhiêu đủ thấy việc bịa chuyện, gây hoang mang dư luận là cách được nhiều người dùng mạng sử dụng để thu hút sự chú ý, phục vụ mục đích cá nhân. Dường như sống ảo đã trở thành virus lây lan tới mọi ngóc ngách của thế giới mạng.
Từ đó, con người dần đánh mất niềm tin vào nhau, để rồi những người nhờ cậy mạng xã hội nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ thật cũng không tránh khỏi bị nghi ngờ, đánh đồng là giả tạo.
Trước vụ làm giả clip xăm hình kín mặt ở Long An, mô-típ "bịa chuyện - bị lên án gay gắt - công khai xin lỗi" từng không hiếm gặp trên mạng.
Ngày 12/7, Facebook A.D.A. - chủ một salon tóc trên đường Cầu Giấy, Hà Nội - đăng tải một số hình ảnh và clip về quán vỉa hè pha trà đá bằng nước rửa chân với lời lẽ khá miệt thị.
Sự việc khiến nhiều người tỏ ra phẫn nộ, bức xúc, thậm chí là kêu gọi tẩy chay quán vỉa hè này. Tuy nhiên, chủ quán khẳng định không có chuyện dùng nước rửa chân để pha trà cho khách. Đó chỉ là trò đùa của nhân viên trong salon tóc.
Tới sáng 13/7, UBND phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tịch thu, dẹp bỏ toàn bộ hàng trà đá. Khi đó, chính chủ tài khoản Facebook A.D.A lại lên tiếng...
Nghiêm trọng hơn, ngày 14/7, đại diện salon tóc V. đã bị cơ quan Công an phường Quan Hoa triệu tập lên làm việc. Phía lãnh đạo công an phường cho biết đơn vị đang tiến hành làm rõ và nếu sai phạm sẽ tiến hành xử lý.
Ngày 15/5, nhóm bạn trẻ sửa mốc quốc giới số 423 (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) thành 428 để chụp ảnh sống ảo. Theo luật sư, đây là hành động thiếu hiểu biết, có thể bị xử phạt.
Sau đó vài ngày T.N.D. - thành viên nhóm phượt nhận sửa cột mốc quốc giới - đã công khai xin lỗi trên mạng xã hội.
Taị diễn đàn phượt có 200.000 thành viên, nam thanh niên viết: "Mọi người đã biết D. có đăng bức ảnh liên quan cột mốc quốc gia khiến nhiều người bức xúc".
Theo đó, chàng trai không phủ nhận tấm hình mình đăng là đúng hay sai, song khẳng định hành động này ảnh hưởng đến nhiều người, gây bức xúc. Không ít dân mạng cho rằng lời xin lỗi còn ngụy biện, thiếu nghiêm túc, chưa nhận thức được cái sai.
Bất chấp danh dự để nổi tiếng
Công nghệ ngày càng phát triển, chỉ cần một cú click chuột, chúng ta đã có thể hòa theo dòng chảy của toàn thế giới. Cũng từ đó, nhiều bạn trẻ bị cuốn vào cuộc sống hào nhoáng, không có thật.
Họ dùng danh tiếng, thậm chí nghĩ ra chiêu trò không giống ai để nhận được lượt like, share ảo từ những "anh hùng bàn phím".
Nguyễn Thanh Huyền - sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - nhận định thanh thiếu niên Việt Nam đang lạm dụng mạng xã hội để nổi tiếng nhờ tai tiếng do chính họ tạo ra.
Theo Huyền, đừng nghĩ rằng vô tình hay thực sự hối lỗi thì có thể bỏ qua tất cả điều mình đã làm. Không phải mọi chuyện cứ xin lỗi là giải quyết được vấn đề.
Trước câu chuyện chàng trai Long An ghi dấu kín mặt, Nguyễn Thanh Cao (nickname Cò Xám) cho rằng việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cách nhìn nhận của xã hội về nghệ thuật xăm hình.
Cò Xám khẳng định người thợ quay clip xăm giả lên mặt giống như câu chuyện cậu bé chăn cừu nói dối hết lần này đến lần khác, sẽ chẳng còn ai tin cậu bé đó nữa.
Bất chấp tất cả để đánh đổi giá trị của bạn thân, thậm chí khiến cho những người làm nghệ thuật chân chính bị ảnh hưởng, đó là việc làm không thể chấp nhận.
Tơ Nguyễn - thành viên nhóm hài DAMtv - cho rằng mạng xã hội Việt rất hỗn loạn. Lượt like (thích), theo dõi ảo là cách nhiều bạn trẻ thể hiện đẳng cấp của mình.
"Mạng xã hội thực tế cũng là cần câu cơm của nhiều người. Để hút khách trong thời gian ngắn, những ông chủ, bà chủ online thường tự vẽ ra câu chuyện không có thật mà không lường trước hậu quả", 9X nói thêm.
Về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý tình cảm gia đình Nguyễn Hương Lan nhận định giới trẻ giờ thực hiện trò "câu like" dưới nhiều hình thức, dẫn tới hành động nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng hay còn gọi là quái chiêu.
"Bên cạnh việc gây chú ý để làm kinh doanh hay từ thiện, không ít người muốn thể hiện sự ngông cuồng của mình. Mọi người càng like (thích), họ càng phấn khích.
Với dân mạng, đây chỉ là trò giải trí vô thưởng, vô phạt nhưng vô tình tiếp tay cho hành động thiếu hiểu biết. Chúng ta nên phớt lờ các thành phần sống ảo của xã hội, tẩy chay, thậm chí là lên án mạnh mẽ", bà Hương Lan nói.
Theo nữ chuyên gia tâm lý, những sự việc cố tình bịa chuyện để "câu like", sống ảo không thiếu trên mạng. Điều này không phạm pháp, song nó ảnh hưởng dẫn đến suy thoái đạo đức, ảnh hưởng không ít tới giới trẻ. Kẻ thù lớn nhất sẽ hủy hoại cả cuộc đời mình chính là sự hiếu thắng, ham hố của bản thân.
"Bất chấp tai tiếng, sự nghiệp và mang tiếng xấu cả đời là minh chứng cho hành động thiếu tỉnh táo. Hậu quả họ vô tình gây ra không chỉ ảnh hưởng tới bản thân, những người thân xung quanh mà còn khiến một bộ phận giới trẻ học và làm theo", nữ chuyên gia cho hay.