Chiêu trò dụ con mồi cắn câu của các tổ chức tín dụng đen

Chiêu trò dụ con mồi cắn câu của các tổ chức tín dụng đen
TPO - Tiền của dành dụm được, vì sự cả tin và chút lòng tham, nhiều người đã gom góp đưa hết cho người quen đầu tư để hưởng lãi suất cao. Thế nhưng, khi bị lừa trở thành người trắng tay, chính họ lại phải đi vay tín dụng đen để có tiền trả nợ. Rơi vào vòng luẩn quẩn ấy khiến nạn nhân rơi vào cảnh bế tắc, không lối thoát.  

Chúng tôi muốn đề cập đến thực trạng đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước liên quan đến huy động vốn hưởng lãi suất cao và tín dụng đen. Những ngày qua, nhiều tổ chức tín dụng đen đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, bắt giữ nhiều người cho vay nặng lãi, uy hiếp nạn nhân. Nhiều người cho rằng, rơi vào tín dung đen, bị hại chủ yếu là công nhân, lao động nghèo nhưng thực tế có cả nhưng người từng là chủ nợ trở thành con nợ của tổ chức tín dụng đen vì rơi vào đường cùng.

Vì lòng tham, nhiều người đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền nhận lãi suất gấp 2-3 lần, thậm chí 4-5 lần so với ngân hàng. Để dụ dỗ “con mồi cắn câu”, ban đầu kẻ lừa đảo trả lãi đầy đủ, sòng phẳng và đúng hẹn nhưng sau đó “cao chạy xa bay” khiến nạn nhân rơi vào ngõ cụt.

Chiêu trò dụ con mồi cắn câu của các tổ chức tín dụng đen ảnh 1 Công ty Điện lực Bình Phước nơi nhiều người bị L. lừa vay tiền trả lãi suất cao

Trường hợp của chị Ng.T.H (ngụ tỉnh Đắk lắk) hiện đang tạm trú ở Bình Dương để tìm kẻ lừa đảo là một dẫn chứng. Vì tin bạn, chỉ H. đã gom góp hết số tiền tích lũy để đầu tư hưởng lãi suất cao gấp 3 lần ngân hàng. Chị H. kể, chị có bạn tên Tr.Th.Th.Th, là giáo viên dạy một trường học gần nhà, chồng công tác trong ngành công an. Vợ chồng Th. vừa là công chức vừa là bạn nên chị H. không chút nghi ngờ.

Một lần, Th. nói với chị H. là đang đầu tư kinh doanh thuận lợi nhưng vốn không nhiều để sinh lời cao hơn. Th. nói chị H. gom tiền đầu tư sẽ nhận được lãi suất cao hơn gấp 3 đến 4 lần ở ngân hàng. Nghe “thuận tai”, nên lần thứ nhất chị H. đưa cho Th. 500 triệu đồng. Sau đó, Th. trả tiền lãi suất đều đặn mỗi tháng. Thấy việc thuận lợi, chị H. tin tưởng nên sau đó đã vay tiền của người thân thêm 500 triệu nữa để đầu tư hưởng lãi.

Chị H. sau đó vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư tổng cộng 2 tỷ đồng. Sau đó, bỗng dưng Th. ngưng trả lãi với lý do phá sản không có tiền trả. Dù chị H. dùng đủ cách để lấy lại tiền nhưng Th. không những không trả còn bỏ trốn khỏi địa phương. “Tôi nghe nói Th. trốn đến Bình Dương nên phải chạy xuống tìm với hy vọng mong manh”, chị H. ngậm ngùi.

Theo lời chị H, do phải trả tiền cho người thân để giữ tình nghĩa nên chị đã vay nặng lãi số tiền rất lớn. Hiện tại, chị H. đang rơi vào cảnh bế tắc và có nguy cơ mất nhà khi số tiền vay tín dụng đen lãi suất rất cao nhưng không có khả năng trả nợ.

Một trường hợp tương tự khác, đó là hoàn cảnh của chị N.T.S (quê Bình Phước). Theo lời chị S., tháng 10/2011, chị bán quán tạp hóa tại nhà. Lúc bấy giờ, D.Th.L (SN 1984, ngụ phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước) đến mua hàng rồi làm quen. Vào năm 2012, chị S. gom góp được số tiền tích lũy 120 triệu đồng, định sẽ gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Khi đó, L. biết chuyện nói chị S. đừng gửi ngân hàng vì lãi suất thấp. L. sau đó khuyên chị S. đưa cho L. mượn làm ăn và sẽ trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng. Do vợ chồng L. là cán bộ làm việc tại Công ty Điện lực Bình Phước nên chị S. tin tưởng cho L. mượn mà không một giấy tờ nào.

Đến năm 2013, ông N.V.T, cha ruột của chị S dành dụm được hơn 300 triệu đồng cũng đưa cho L. mượn trả lãi suất cao. Năm 2016, chị S. lại tiếp tục bán rẫy và đất thổ cư được hơn 700 triệu đồng cộng thêm tiền của Chị N.T.H (em gái chị S) bán đất được gần 400 triệu đồng để mang cho L. vay trả lãi suất cao.

Sau khi lấy tiền, L. trả lãi suất cao đều đặn được vài tháng rồi “biệt vô âm tính”. Chị S. thấy có biểu hiện bất ổn nên liên tục đòi nợ và L. đã nhắn tin nói rằng bị người khác lừa, vỡ nợ nên giờ không còn tiền trả. Theo chị S, hiện L. đang sống tại Bình Dương nhưng chưa xác định được địa điểm cụ thể.

Liên quan đến vụ việc, đại diện Công ty Điện lực Bình Phước xác nhận, D.Th.L (người được cho là vay tiền của người dân để trả lãi suất cao) là cán bộ phòng Tài chính – Kế toán của đơn vị này.

Được biết, nhiều cán bộ, nhân viên tại Công ty Điện lực Bình Phước cũng là nạn nhân của L. Nhiều người dấu gia đình mang tiền tích lũy cho L. vay hưởng lãi suất cao. Khi bị lừa, để không bị người thân phát hiện, nhiều người đã chọn cách im lặng, số khác đã đi vay nóng để có tiền bù vào số tiền đã mang cho L. vay.

Công an tỉnh Bình Phước cũng cho biết thêm, hiện đơn vị này đã nhận được đơn tố cáo của người dân liên quan đến hình thức huy động vốn của D.Th.L và các tổ chức tín dụng đen. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để điều tra làm rõ vụ việc.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".