Theo điều lệ giải, cùng với các đội đứng đầu mỗi bảng, 5/10 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền tham dự VCK giải U23 châu Á diễn ra tại Qatar năm 2016.
Sau 2 lượt trận, Việt Nam tạm thời xếp thứ 3 ở bảng B với 3 điểm (hiệu số -1), sau Nhật Bản (6 điểm, hiệu số +9) và Malaysia (3 điểm, +1). Ở lượt trận cuối, kịch bản dễ xảy ra nhất là Việt Nam sẽ thắng Macau, đội yếu nhất ở bảng B, trong khi Malaysia không thể đánh bại được Nhật Bản. Kết quả này sẽ giúp Việt Nam giành vị trí nhì bảng B với 6 điểm.
“Macau là đối thủ yếu nên việc chúng ta thắng họ không phải nhiệm vụ khó. Nhưng để ghi được càng nhiều bàn thắng thì Olympic Việt Nam cần cải thiện khả năng tấn công.
Với các cầu thủ hiện nay trên hàng tiền đạo của Olympic Việt Nam như Công Phượng, Văn Toàn…tôi cho rằng chúng ta có thể làm được”.
HLV Hoàng Văn Phúc
Tuy nhiên, để có thể giành vé đi tiếp, Việt Nam cần lọt vào tốp 5 đội nhì có thành tích tốt nhất. Trong số các đội đang đứng thứ nhì ở vòng bảng hiện nay, có 5 đội đang được 6 điểm gồm: Thái Lan, Myanmar, Yemen, Uzbekistan và Indonesia. 3 đội khác đang được 4 điểm là Ả rập Saudi, Lào và Oman. Ở loạt trận cuối, Thái Lan sẽ gặp CHDCND Triều Tiên, Myanmar gặp Úc, Uzbekistan gặp Syria, Indonesia gặp Hàn Quốc và Yemen sẽ đấu với UAE. Nếu các trận đấu này kết thúc với tỷ số hòa, Việt Nam sẽ bị loại bất chấp việc có thắng Macau hay không.
Vì vậy Việt Nam cần trông đợi 2/5 đội nhì bảng này thua. Ba đội nhì bảng đang có 4 điểm là Ả rập Saudi, Lào và Oman sẽ có ít khả năng giành được 3 điểm do đều gặp các đối thủ rất mạnh ở lượt trận cuối, lần lượt là Iran, Trung Quốc và Iraq. Nếu điều này xảy ra, điều kiện cần là Việt Nam sẽ phải thắng đậm Macau để cạnh tranh chỉ số phụ.
Tuy nhiên, đây lại là yêu cầu khó đối với Olympic Việt Nam, nếu xét theo lối chơi HLV Toshiya Miura đang áp dụng, cũng như hiệu quả của các chân sút trên hàng công. Trước thềm giải đấu, khả năng dứt điểm của các tiền đạo là một trong những vấn đề khiến ông Miura lo lắng. Qua 2 trận đấu đầu tiên ở bảng B, nếu không kể Nhật Bản trội hơn thì Việt Nam khi gặp Malaysia rất tập trung cho nhiệm vụ phòng ngự, trong khi các pha dàn xếp tấn công được nhận xét là chưa thực sự đa dạng.
Cần cải thiện khả năng tấn công
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Hoàng Văn Phúc nhận định, đội đã có những tiến bộ nhất định so với giai đoạn tập huấn. Điểm ấn tượng nhất thể hiện rõ nét qua trận đấu với Nhật Bản là các cầu thủ Olympic Việt Nam đã thi đấu với nền tảng thể lực tốt, đủ sức chạy gần suốt trận.
“Theo tôi đây là điểm tích cực nhất, và rất quan trọng đối với các cầu thủ Việt Nam. Về lối chơi, các cầu thủ cho thấy khả năng phối hợp gắn kết, ít lỗi hơn so với những trận đấu trước. Về chiến thuật, tôi cho rằng việc chuyển sang sơ đồ 5-4-1, ưu tiên cho phòng ngự của ông Miura là hợp lý.
Nhật Bản mạnh hơn hẳn so với Việt Nam nên nếu đòi hỏi chúng ta chơi đôi công sòng phẳng với họ là quá nguy hiểm. Ông Miura hẳn hiểu rất rõ sức mạnh của Nhật Bản khi đưa ra chiến thuật trên. Tuy nhiên, nếu hàng tiền vệ của Olympic Việt Nam chuyển từ tấn công sang phản công nhanh hơn thì tôi nghĩ chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội”-HLV Hoàng Văn Phúc nói.
“Macau là đối thủ yếu nên việc chúng ta thắng họ không phải nhiệm vụ khó. Nhưng để ghi được càng nhiều bàn thắng thì Olympic Việt Nam cần cải thiện khả năng tấn công. Với các cầu thủ hiện nay trên hàng tiền đạo của Olympic Việt Nam như Công Phượng, Văn Toàn…tôi cho rằng chúng ta có thể làm được”-ông Phúc nhận định.