Trong khi đáng ra, các doanh nghiệp này phải tiếp cận được các loại thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền (generic) để có thể sản xuất thuốc giá rẻ hơn bán cho người bệnh, thay vì vẫn phải nhập khẩu...
“Cắt lô” làm giá
Có một nhà máy nhưng nhiều năm nay ngoài sản xuất một vài loại thuốc nhức đầu xổ mũi thông dụng, giám đốc công ty dược V. ở TPHCM vẫn sang các nước để “cắt lô” một số thuốc phân phối độc quyền về Việt Nam. Bằng cách mua gom một lô thuốc trị bệnh tim mạch hay tiểu đường từ hãng dược nước ngoài sản xuất, đưa về Việt Nam và phân phối độc quyền. Cách làm này theo giám đốc công ty dược V. là “cắt lô” để kiếm lời nhanh. “Khi đưa các thuốc này về, công ty phân phối lại qua các tầng nấc trung gian để kiếm lời”- người này nói. Một dược sĩ cho biết, tình trạng kinh doanh “cắt lô” đang rất phổ biến, dẫn tới doanh nghiệp dược dễ bề thao túng thị trường, đẩy giá.
Theo Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc, công nghiệp dược Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức đóng gói bán thành phẩm nhập khẩu, gia công; công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập. Trong khi phân loại mức phát triển công nghiệp dược của WHO, Việt Nam đang đứng ở mức sản xuất được một số thuốc generic, đa số phải nhập khẩu. |
Khi tìm mua loại thuốc Amiodaron- một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn nhịp tim, ông Hoàng 56 tuổi ở quận 7 được các nhà thuốc cho biết hết hàng. Tuy nhiên theo tìm hiểu, thực chất đây chỉ là “chiêu trò” của đơn vị phân phối, bởi thuốc này theo các công ty dược nhập khẩu đã bị nhiều doanh nghiệp “cắt lô” độc quyền phân phối. Một tuần sau, ông Hoàng ghé lại nhà thuốc mua, loại thuốc này đã bị thổi giá tăng thêm 7.000 đồng/hộp. Hỏi ra mới biết, nhà phân phối yêu cầu điều chỉnh giá lên vì hàng thiếu lại hiếm.
Tình trạng khan hiếm thuốc và đẩy giá diễn ra phổ biến hiện nay, bởi những đơn vị kinh doanh theo kiểu “cắt lô” hoặc tạo ra những “liên minh ma quỷ” trong kinh doanh dược. Anh Hoàng Văn Huy- chuyên nhập hàng và phân phối thuốc ở TPHCM, cho biết: “Mình chỉ “cắt lô” một hai mặt hàng chuyên điều trị tiểu đường thôi, bởi dễ bán và được giá”. Theo người này bật mí thì việc “cắt lô” độc quyền, doanh nghiệp rất dễ thao túng và làm giá. Chỉ cần nói hết hàng để tạo sự khan hiếm giả, sau đó bung hàng ra và đẩy giá lên. Vì đặc thù, có bệnh không thể không mua thuốc chữa vì giá tăng.
Trên thực tế, ngay cả người không có công ty hoặc công ty không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực dược, vẫn mượn pháp nhân để “cắt lô” bao tiêu sản phẩm, do dễ kiếm lợi nhuận cao. Giá thuốc “cắt lô”, sau khi làm xong các thủ tục, có loại được đẩy giá lên cao gấp hàng trăm lần. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ quan nào giám sát hay chế tài nào xử lý những sự vụ như vậy.
Ông Lương Đăng Khoa- Tổng Giám đốc Boston Pharma Việt Nam cho biết: Nhiều doanh nghiệp sợ sản xuất phải đầu tư tốn kém, nên mới làm kiểu ăn xổi như vậy. Trong khi đó, việc đánh giá tương đương sinh học đối với thuốc gốc (generic)- thuốc đã hết bảo hộ độc quyền của các công ty dược trong nước lại quá hiếm hoi.
PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học thừa nhận trình độ công nghiệp dược Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và lép vế so với các nước, bởi còn không ít công ty dùng công nghệ lạc hậu, chỉ đóng gói. Việt Nam có gần 100 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO nhưng gần như chưa tiếp cận được các loại thuốc vừa hết bảo hộ độc quyền (generic). Thay vì chớp lấy các thuốc generic để cạnh tranh với các hãng dược nước ngoài thì các công ty trong nước vẫn tập trung cho các chủng loại hàng thông thường và nhái mẫu mã dẫn đến hiện tượng đầu tư trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau…
Ăn theo
Phụ thuộc vào 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hàng chục công ty dược trong nước xây dựng nhà máy chỉ để đóng gói các loại thuốc của hãng dược nước ngoài sau khi mua về, một số ít sản xuất thuốc nhưng là những loại thuốc thông thường. Dược sĩ Nguyễn Văn K., giám đốc một công ty dược có trụ sở tại TPHCM, cho biết hầu như các công ty dược trong nước làm ăn kiểu “tát nước theo mưa”. 50% nhu cầu thuốc mà công ty nội sản xuất chỉ có vài ba phần trăm thuốc độc quyền, còn lại là thuốc thông thường, thuốc bị thay tên đổi họ.
Ông Trương Hữu Dũng- Giám đốc Cty dược T.Đ ở quận 10, cho biết: “Người bệnh bị cảm cúm nhức đầu tưởng rằng chỉ có Panadol, Paracetamol hay Decolgen nhưng thực tế thị trường có hàng trăm loại thuốc có tác dụng điều trị tương tự như vậy do trong nước sản xuất. Họ sản xuất theo kiểu bắt chước. Thấy thuốc nước ngoài bán chạy là mình làm theo, giá cả thì mỗi nơi mỗi giá, có khi bán giá cao hơn thuốc ngoại”- ông Dũng tiếp.
Hàng trăm loại kháng sinh nội cũng được các công ty trong nước đua nhau sản xuất, chỉ khác tên gọi thương mại, còn phòng và điều trị giống nhau. Hễ thấy công ty nào có sản phẩm bán chạy thì một tháng sau cũng thấy vài ba công ty dược khác sản xuất theo. “Đua nhau sản xuất kháng sinh, nên các công ty dược nội “giẫm đạp” nhau để cạnh tranh đưa thuốc vào bệnh viện, đua nhau tăng chi hoa hồng, nên đẩy giá thuốc lên cao bắt người bệnh gánh”- ông K. thừa nhận.
Khi hỏi mua thuốc Panadol, chị Vinh được nhân viên nhà thuốc Ái Mỹ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 tư vấn có loại thuốc tương tự như Panadol nhưng giá cao hơn 200 đồng/viên. Chị Vinh đã chọn thuốc ngoại, vì chất lượng cao hơn, trong khi giá lại thấp hơn thuốc nội. Đại diện một công ty dược ở quận 7, thừa nhận, tình trạng sản xuất đại trà, sản xuất kiểu “ăn theo” nhưng giá vẫn cao do nguyên liệu phải nhập khẩu khiến cho thuốc nội khó tiêu thụ, người bệnh vẫn chưa thực sự tin tưởng.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết chỉ trong một năm Cục quản lý dược đã cấp tới 87 số đăng ký thuốc cho cùng hoạt chất Cefuroxime, 98 số đăng ký cho hoạt chất Cefixim và hàng chục số đăng ký cho các loại thuốc cùng hoạt chất khác như Amlodipin, Azithromycin, Metformin…trong khi những loại này đã quá nhiều ở Việt Nam. Đây là lý do khiến các công ty trong nước giẫm lên nhau sản xuất mà không cạnh tranh được với các thuốc cùng loại của các hãng dược nước ngoài.
Theo TS Lê Hậu, Khoa dược- Đại học Y Dược TPHCM trong khi chưa có điều kiện để nghiên cứu phát minh ra những loại thuốc mới, ngành dược Việt Nam vẫn không tập trung sản xuất thuốc generic cho nhu cầu điều trị trong nước. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện mỗi năm có khoảng 25-30 hoạt chất hết bản quyền với trị giá hàng chục tỷ USD được các nước trên thế giới đổ xô vào khai thác. Trong khi các công ty dược trong nước thờ ơ, chỉ tập trung “cắt lô”, “ăn theo” kiếm lời nhanh. Với cách làm ăn này, người bệnh không biết tới khi nào mới thôi bị móc túi.