Chiều La Habana, uống bia với 'thủy triều'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phòng triển lãm của Hội Mỹ thuật Cuba rất trang nhã nằm trong khuôn viên của Hiệp hội Nhà văn và Nghệ sĩ Cuba.

Ngôi nhà nhỏ hiện ra, qua khoảnh sân rợp bóng cây. Có thể vào đây bằng cổng phụ. Nơi đây đang diễn ra một triển lãm gồm tác phẩm của 4 hoạ sĩ đồ hoạ nổi tiếng Cuba: Anyelmaidelin Calzadilla, Yamilys Brito Norberto Marero, Hanoi Pérez Cordero, Yerandee G. Durán. Tên của triển lãm được trình bày như một mật mã. Hoá ra bí ẩn thật, có thể hiểu là “mã giáo dục/bài học” hoặc “tự chọn”?

Điều đặc biệt, tôi nhìn thấy một cái tên trong số các tác giả: Hanoi Pérez Cordero. Lẽ tự nhiên, là một người Hà Nội, tôi ngạc nhiên khi gặp cái tên ấy ở cách nửa vòng trái đất. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, chị Hiền Maria Llorens – người phiên dịch, cũng là người am hiểu văn hoá, quen thân với nhiều văn nghệ sỹ giải thích: Ở Cuba, một thời có nhiều người vì ngưỡng mộ sự anh hùng của nhân dân Việt Nam, đã đặt tên cho con tên là Hanoi hay Vietnam! Đó là một hoạ sĩ sinh năm 1976, hiện đang lưu trú sáng tác tại Thuỵ Sỹ. Tác phẩm của anh mang tên “Giữa thủy triều” (Entre mareas).

Tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Cao cấp Cuba (ISA) năm 2012, anh đã tham gia các triển lãm cá nhân và nhóm tại Cuba, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Puerto Rico, Tây Ban Nha, Anh, Ý và Panama.

“Giữa thủy triều” bao gồm nhiều bản in độc lập và một cuốn sách in thủ công độc bản. Tất cả là hình ảnh những con cá giữa làn nước đại dương. Với Cuba, một quốc đảo nằm giữa biển Ca–ri-bê, thiết tưởng không có gì thân quen với người Cuba hơn là cá. Nghệ thuật truyền thống Cuba cũng rất chú trọng hình tượng của các con vật, nhấn mạnh vào những loài thủy sinh.

Để hiểu kỹ thuật độc đáo của Hanoi Pérez Cordero, xin đọc lời giới thiệu sau: “Cuộc triển lãm tập hợp các tác phẩm anh lấy cảm hứng từ niềm đam mê câu cá của mình. Điều đáng chú ý ở số tác phẩm này là việc sử dụng gyotaku, một phương pháp truyền thống có nguồn gốc từ Nhật Bản. Theo đó cá đánh bắt được sẽ trở thành khuôn in, nó được ép trực tiếp lên giấy ẩm để tạo hình ảnh”.

Hanoi Pérez Cordero đã chọn lọc những tác phẩm mà anh đã làm trong hơn 10 năm. Các tác phẩm gắn liền với biển:

“Khi còn nhỏ, các anh trai của tôi đã đưa tôi đi câu cá. Chúng tôi làm việc đó trên những chiếc thuyền bập bềnh. Qua nhiều năm, câu cá đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi - cuộc phiêu lưu giữa thủy triều, say nắng, lạnh giá và những đêm tồi tệ, tôi bắt đầu suy ngẫm về cách liên hệ hai niềm đam mê: nghệ thuật đồ họa và câu cá”.

Ngày 21/2 đến ngày 21/3/2019, Hanoi Pérez cũng đã trưng bày một phần những tác phẩm loại này tại Taller Experimental de Gráfica de La Habana (TEGH). Anh giới thiệu sâu hơn về phương pháp tạo tác của mình:

“Việc in trực tiếp con cá mà tôi bắt được lên giấy, như một cách bảo quản hình ảnh, sử dụng kỹ thuật Gyotaku của Nhật Bản. Ngư dân Nhật Bản sử dụng cách làm này. Đó là cách nhanh nhất để họ đưa sản phẩm đánh bắt ra giới thiệu với thị trường mà không phải vận chuyển hàng hóa. Ý tưởng này đã “nhảy” từ thị trường thực phẩm đến thế giới của các nghệ sĩ thị giác và ngoài tôi ra, rất nhiều nghệ sĩ đã phát triển công việc của họ theo nguyên tắc này”, Pérez Cordero nói.

Yêu mến hoạ sĩ và muốn giới thiệu thêm về đời sống cũng như hoạt động sáng tác của anh, khi về tới Hà Nội, tôi đã nhờ internet để tìm hiểu thêm. Với sự trợ giúp của phiên dịch, tôi tìm được nhiều điều thú vị, xin hầu bạn đọc vài đoạn.

Adalys Pérez Suárez | Báo Cubarte | 06 Tháng 3 năm 2019:

Hanoi Pérez Cordero đã thể hiện sự gắn bó với những thử nghiệm nghệ thuật khi còn là sinh viên tại Học viện Nghệ thuật Cao cấp, khi gia nhập nhóm Enema.

Vào tháng 6 năm ngoái (2018), phòng trưng bày “Vương quốc của thế giới này” của Thư viện Quốc gia José Martí Cuba đã tổ chức một cuộc triển lãm của anh và Yerandee González Durán dành riêng cho nghệ thuật sách. Đây là một thể hiện nghệ thuật mà Hanoi Pérez đã dành nhiều thời gian cho nó. Một phần công việc của anh với tư cách là tác giả và một trong những người phụ trách trong những năm gần đây.

Jorge Mata trong bài Giữa ‘Thủy triều’, đêm lạnh giá và tồi tệ (La Habana, 10/3/2019) viết:

Xưởng in – nơi Hanoi Pérez làm việc, được thành lập bởi Orlando Suárez và các nhà in Israel de la Hoya và Amable Mourino vào năm 1962, là trung tâm đầu não cho việc đào tạo, phát triển cho rất nhiều người sáng tạo đồ họa ở Cuba. Tọa lạc tại Callejón del Chorro, cạnh nhà thờ, cơ sở của nó có hàng chục khách du lịch bao vây hàng ngày. Nhờ những du khách này, các nghệ sĩ đã tìm kiếm được những hạt đậu (đồ ăn).

“Cuộc sống buộc nhiều nghệ sĩ phải phân tâm. Một mặt, họ tạo ra những tác phẩm có mục đích thương mại ngay lập tức, mặt khác, họ tạo ra những tác phẩm khắc và in có trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao. Chúng ta không được quên rằng quy trình tạo ra các bản khắc rất phức tạp, đắt tiền. Để có được chất lượng giấy là điều rất khó đối với chúng tôi. Đây là nơi mà sự khéo léo của người Cuba phát huy, đó là lý do tại sao nghệ thuật đồ họa của hòn đảo này được đánh giá cao trên phạm vi quốc tế”, Pérez Cordero nói khi chúng tôi tham quan cơ sở in giữa tiếng rít của những chiếc trục ép xoắn, nơi in lụa bằng những viên đá phủ đầy chất gôm Ả Rập, những con lăn và mùi mồ hôi, hòa lẫn với mực và độ ẩm.

Chiều La Habana, uống bia với 'thủy triều' ảnh 1

Hoạ sĩ Hanoi Pérez Cordero

Chiều La Habana, uống bia với 'thủy triều' ảnh 2

Một góc triển lãm đồ họa Cuba

“Thủy triều” được trưng bày trong Phòng trưng bày Khắc nằm ở lối vào chính. Khi bước vào, chúng tôi được chào đón bởi triển lãm với tất cả vẻ huy hoàng của nó. Ở phía sau, cách lối vào vài mét, chúng tôi tìm thấy bàn của nghệ sĩ. Trên đó có những tác phẩm dự định bán. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì tính xuất sắc của những tác phẩm được trưng bày trong phòng.

Hầu hết các tác phẩm đều được sắp đặt nghệ thuật, nhằm làm nổi bật tính chất biểu diễn vốn có của kỹ thuật Gyotaku. Nhiều tác phẩm sử dụng giấy hữu cơ thủ công, một số được sản xuất tại các nhà máy nằm trên bờ sông Rhine, gần Basel, Thụy Sĩ. Pérez Cordero mua chúng, khi anh đang được hưởng quyền cư trú ở Thụy Sĩ dành cho các nghệ sĩ xứng đáng.

Chiều La Habana, uống bia với 'thủy triều' ảnh 3

Cặp vợ chồng nghệ sĩ Carlos Sanchez và Maria del Carmen Suarez

Hanoi Pérez Cordero tìm thấy vẻ đẹp trong vảy những con cá mà anh bắt được, sau đó anh chuyển chúng thành khuôn để in trên giấy. Khi nhìn những tác phẩm này, chúng ta hiểu được sợi dây vô hình rung động thế giới biển và cuộc đời người nghệ sĩ.

Các tác phẩm của ba hoạ sĩ còn lại trong triển lãm đều được thực hiện công phu, tạo khuôn và in số lượng hạn chế, chỉ 3 đến 5 bản. Đây đều là những nghệ sĩ danh tiếng, nhưng do khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin nói về tác phẩm và con người họ vào một dịp khác.

***

Xem xong triển lãm, chúng tôi ra sân thì gặp cảnh náo nhiệt khác hẳn với lúc trước. Hoá ra hôm nay có bia nên sân hội náo nhiệt khác hẳn với cảnh vắng lặng đìu hiu thường thấy khi tôi rảo bước qua đây. Bia mậu dịch với giá 80 peso một cốc (bằng khoảng 8.000VNĐ) nhưng rất ngon và phục vụ tử tế. Bộ đồ ủ bia sáng loáng và người nhân viên mặc áo trắng tinh như bước ra từ một khách sạn sang trọng. Hơi ngại vì nhìn là biết tôi không phải hội viên (thậm chí từ nơi sản xuất cũng không huống gì), nhưng hoá ra không vấn đề. Bất cứ ai tình cờ có mặt đều được phục vụ. Hết thì thôi, giải tán.

Tại sân bia, tôi gặp lại cặp vợ chồng nghệ sĩ sôi nổi cùng có mặt trong phòng triển lãm lúc trước. Carlos Sanchez và Maria del Carmen Suarez. Họ đều là nghệ sĩ kịch. Câu chuyện mở ra.

Chiều La Habana, uống bia với 'thủy triều' ảnh 4

Tác phẩm “Giữa thủy triều”

“Chồng 74 rồi còn tôi 46, nên tôi không muốn anh ấy đi diễn nhiều nữa, chúng tôi đủ sống” - Maria del Carmen Suarez nói một cách rất vui vẻ. Trong lúc đó, Carlos Sanchez giao lưu trên cả nhiệt tình với các bạn nghệ sỹ đang uống bia tươi ở sân Hội Văn học - Nghệ thuật Cuba. Trong đó có nhiều diễn viên nổi tiếng, MC truyền hình… Ông ôm hôn bạn bè, với bạn nữ lại càng khoa trương rồi quay lại nháy mắt với tôi: Vợ tôi không ghen!

Maria hiểu hết và càng cười tươi. Chị là một nghệ sỹ kịch nói nhưng pha nhiều chất hình thể, được trẻ em và người điếc rất thích. Chị là người điếc nhưng nói được như người bình thường. Từ nhỏ, mẹ chị đã kỳ công dạy chị nói và đọc. Để biết người khác nói gì, chị dùng cách nhìn khẩu hình. Chính vì thế nên chồng chị luôn nói rất to và diễn đạt khẩu hình rất rõ. Tôi thoạt đầu không hiểu về sự ồn ào đó, khi gặp đôi vợ chồng trong nhà triển lãm của Hội.

Carlos Sanchez là một nghệ sỹ kịch rất nổi tiếng ở Cuba. Ông quan tâm phát triển loại hình kịch hình thể, và trong lúc đi dựng vở, ông quen người vợ thứ hai của mình, Maria. Chị vợ luôn tươi tắn, sự hạnh phúc cứ mặc nhiên toả ra xung quanh chị như một dạng vật thể có thể nhìn thấy hoặc thở hít được.

- Tôi không sinh con. Là nghệ sỹ thì không nên có con!

Maria bảo thế. Thật lòng.

Một buổi chiều thật vui và ý nghĩa. Nhờ triển lãm nghệ thuật và những nghệ sĩ đầy năng lượng. Biết sức sống Cuba, nghệ thuật Cuba sâu sắc, giàu tính nhân văn.

MỚI - NÓNG