Chiến tranh bảo vệ biên giới vì chính nghĩa: Bài học bảo vệ chủ quyền

Tuổi trẻ hai nước tham gia Dạ hội thanh niên Quân đội Việt Nam - Campuchia “Chung dòng Mê Kông - Nghĩa tình sâu nặng” trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN MINH
Tuổi trẻ hai nước tham gia Dạ hội thanh niên Quân đội Việt Nam - Campuchia “Chung dòng Mê Kông - Nghĩa tình sâu nặng” trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN MINH
TP - Nhìn lại 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), hội thảo cấp quốc gia do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy An Giang tổ chức vừa đưa ra nhiều cứ liệu quan trọng.  

Cuộc chiến vì chính nghĩa

Trong tham luận “Chiến tranh biên giới Tây Nam - Cuộc chiến vì chính nghĩa” gửi tới hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết: Ngày 23/12/1978, chính quyền Campuchia Dân chủ huy động 10/19 sư đoàn đang bố trí dọc biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam.

Trước âm mưu và tội ác man rợ của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, để bảo vệ chủ quyền đất nước, từ ngày 23/12/1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công- tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari không phải là “xâm lược” như những lời tuyên truyền vu cáo của các thế lực thù địch, mà xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước láng giềng; từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh; từ chân lý “giúp bạn là mình tự giúp mình” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đày đen tối của chế độ diệt chủng nên khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia, nhân dân Campuchia đã đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết, cho đó là một sự kỳ diệu đưa họ từ cõi chết trở về, gọi Bộ đội Việt Nam là Bộ đội nhà Phật”.

Nguyên Tổng Bí thư

LÊ KHẢ PHIÊU

“Việc làm đó cũng là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi cứu nguy một dân tộc đang rơi vào thảm cảnh tột cùng của sự tha hóa, cần sự giúp đỡ quốc tế, trong đó có người bạn láng giềng truyền thống Việt Nam. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa!”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định.

Cuộc đổ bộ Tà Lơn

Nói về cuộc đổ bộ quả cảm cách đây 40 năm (Bộ Quốc phòng đã ra quyết định công nhận đây là Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn vào tháng 8/2018), Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết chiến dịch diễn ra bằng một số trận tiêu biểu như trận đổ bộ tiến công lên bãi biển Tà Lơn của Lữ đoàn 126, Lữ đoàn 101 hải quân đánh bộ; các trận đánh trên biển của Hạm đội 171, Hải đoàn 127; các trận tiến công thị xã và cảng Công Pông Xom, quân cảng Ream.

Theo Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đêm 4 và 5/1/1979, một bộ phận đặc công đã bí mật đổ bộ, ém sẵn ở bãi Tà Lơn (bãi Tà Lơn dài khoảng 300m, có nhiều sú vẹt, cát bùn xen lẫn đá ngầm, nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc, cách thị xã Campốt khoảng 20km về phía Đông, cách cảng Công Pông Xom khoảng 90km về phía Tây).

Khoảng 23 giờ ngày 6/1/1979, thê đội 1 của Lữ đoàn 126 đổ bộ bằng tàu xi măng cốt thép, đánh chiếm và chốt giữ bãi đổ bộ. Thê đội 2 đổ bộ bằng tàu LCM8, LCU, có xe tăng, thiết giáp đi cùng đánh chiếm các địa hình có giá trị chiến thuật trên các quốc lộ số 3, số 4.

Ngày 7/1, hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 101 đổ bộ vào Tà Lơn để cùng Lữ đoàn 126 tiến công cảng Ream. Các lực lượng thực hành đổ bộ với sự chi viện hỏa lực của 2 tiểu đoàn pháo tầm xa Vùng 5 trên đảo Phú Quốc… Đây là trận mở màn mang tính then chốt, quyết định của chiến dịch. Trong hai ngày, ta đã đưa được hai lữ đoàn hải quân đánh bộ cùng nhiều xe tăng, thiết giáp và phương tiện chiến đấu lên bờ.

“Đây là lần đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng lớn tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô chiến dịch trên chiến trường biển, đảo xa hậu phương, trong điều kiện vũ khí, trang bị, phương tiện, kinh nghiệm tác chiến đổ bộ còn nhiều hạn chế. Vì thế, thắng lợi của chiến dịch càng có giá trị to lớn hơn”, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam cho biết.

Bài học bảo vệ chủ quyền

Trong tham luận “Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam - Bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước” gửi tới hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực quản lý và bảo vệ tốt đường biên, mốc giới; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để hoàn thành việc phân định, cắm mốc biên giới trên bộ, trên biển, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững; tích cực, chủ động tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển và tiếp tục triển khai các diễn đàn đàm phán để giải quyết các vấn đề trên biển với các nước có liên quan; đấu tranh với những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, tổ chức kiều bào Việt Nam cùng tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế và cơ chế, quy tắc khu vực; sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ chính đáng khi chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm phạm.

MỚI - NÓNG